CÁC DẠNG PHÂN LÂN THƯỜNG DÙNG VÀ CÁCH SỬ DỤNG

Biên tập bởi Nông Dược XanhĐăng 3 năm trước27,3320

Cùng với phân đạm, phân lân là một chất dinh dưỡng thiết yếu, quyết định năng suất cây trồng. Nếu bón thiếu lân, năng suất cây trồng giảm từ 30-40%. Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại phân lân với hàm lượng và đặc điểm sử dụng khác nhau. Hàm lượng lân trong phân được đánh giá bằng phần trăm P2O5 theo khối lượng. Funo.vn sẽ giới thiệu một cách chi tiết để bà con nông dân dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp.

1. Phân loại theo khả năng hòa tan

a. Phân lân dễ tiêu

Cây trồng hấp thu lân chủ yếu ở hai dạng ion: H2PO4- và HPO42-.

– Phân lân dễ tiêu chứa lân ở dạng ion H2PO4- tan nhiều trong nước, được cây trồng hấp thu nhanh chóng. Ví dụ: phân Supe lân, MAP,…

– Phân lân dạng ion HPO42- ít tan trong nước, tan nhiều trong axit yếu nên cũng được cây trồng hấp thu dễ dàng. Ví dụ: phân lân nung chảy, phân DAP,…

b. Phân lân khó tiêu

Phân lân khó tiêu là lân ở dạng PO43- không tan trong nước và axit yếu nên cây trồng khó sử dụng được ngay. Ví dụ: phân apatit, photphorit,…

2. Phân loại theo nguồn gốc

a. Phân lân tự nhiên

Phân lân tự nhiên là loại phân được khai thác từ khoáng sản thiên nhiên có chứa lân. Loại phân này thường được sử dụng để bón lót trước khi trồng trọt vì cần nhiều thời gian để phân giải thành dạng dễ hấp thu cho cây trồng.

– Apatit: chứa 30-32% P2O5, canxi và những loại khoáng chất khác. Phân này thường để bón đất chua, phèn, trũng, thiếu lân.

– Photphorit: chứa 8-12% P2O5. Phân có dạng bột, thích hợp dùng cho đất chua, phèn hay ngập úng.

CÁC DẠNG PHÂN LÂN THƯỜNG DÙNG VÀ CÁCH SỬ DỤNG

b. Phân lân tổng hợp

Phân lân từ các nguồn khoáng sản trong tự nhiên có giới hạn, sẽ bị cạn kiệt trong tương lai. Cùng với đặc tính khó tiêu, cây không sử dụng được ngay thì phân lân sản xuất theo quy trình công nghiệp có nhiều lợi thế. Loại phân này thường có hàm lượng lân cao hơn và cây dễ hấp thu hơn.

– Supe lân hay còn gọi là supe photphat. 

Đây là loại phân được bà con nông dân ưa dùng hiện nay. Supe lân chia làm ba loại: supe lân đơn, giàu và kép. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ sản xuất supe đơn có công thức Ca(H2PO4)2.H2O + CaSO4. Hàm lượng dinh dưỡng trong phân này chứa 16-18% lân, 8 - 12% lưu huỳnh.

Supe lân dễ tan trong nước, ít bị rửa trôi và dễ dàng hấp thụ bởi cây trồng, hiệu quả nhanh cho nhiều loại cây. Phân lân supe có tính axit, không thích hợp cho đất chua, dùng để bón thúc hoặc bón lót cho cây. Phân supe lân đạt hiệu quả cao nhất khi bón cho đất có đủ đạm hoặc bón kết hợp với phân đạm.

– Lân nung chảy 

Hàm lượng dinh dưỡng trong loại phân này bao gồm: 18-20% lân, 28-30% Canxi, 17-20% Magiê, 24-30% Silic và một số nguyên tố vi lượng.

Phân lân nung chảy ít tan trong nước nên có tác dụng chậm, cung cấp lân cho cây một cách từ từ. Loại phân này có tính kiềm, thích hợp cho đất phèn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, đồi núi Đông Nam Bộ và đất bạc màu.

– Phân monoamoni photphat (MAP) 

Hàm lượng dinh dưỡng của phân MAP gồm: 61% lân và 12% đạm amoni. Đây là loại phân đa thành phần có hàm lượng dinh dưỡng cao, còn gọi là chất siêu lân. Nhờ có hàm lượng lân cao nên phân MAP là chất cải tạo đất, phục hồi bộ rễ khi cây trồng bị úng ngập hoặc khô hạn lâu ngày.

– Phân diamoni photphat (DAP)

Phân DAP có 2 loại phổ biến: DAP 18-46 (18% đạm và 46% lân) và DAP 21-53 (21% đạm và 53% lân). Trong phân bón DAP có hàm lượng đạm và lân cao, rất thích hợp bón cho các loại cây trồng trong giai đoạn cần nhiều lân và đạm, đặc biệt là giai đoạn cây con, cây còi cọc, kém phát triển. Phân DAP cũng rất phù hợp để bón lót chuẩn bị cho mùa vụ mới bội thu.

DAP không được sử dụng để gần rễ vì việc giải phóng amoni, chuyển hóa thành amoniac (trong điều kiện pH>7) có thể gây hại cho cây con và rễ. Để tránh tình trạng cây con bị hỏng, cần tránh bón phân DAP nồng độ cao gần hạt nảy mầm hoặc cây con

CÁC DẠNG PHÂN LÂN THƯỜNG DÙNG VÀ CÁCH SỬ DỤNG

3. Phân lân công nghệ cao - Polyphotphat

Polyphotphat là một loại phân lỏng được sử dụng rộng rãi ở các nền nông nghiệp tiên tiến. Các loại phân polyphotphat phổ biến nhất có thành phần (10% đạm; 34%) lân hoặc (11% đạm; 37% lân). 

Phân polyphotphat có ưu điểm là hàm lượng dinh dưỡng cao trong chất lỏng trong suốt, không có tinh thể, ổn định trong khoảng nhiệt độ rộng và thời gian bảo quản lâu dài. Một loạt các chất dinh dưỡng khác trộn đều với phân polyphotphat, làm cho chúng trở thành chất vận chuyển tuyệt vời cho các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

Trong loài phân này chứa cả lân dạng đơn và dạng liên kết .Vì vậy, phân polyphotphat cung cấp chất dinh dưỡng ngay lập tức và dần dần giúp cây trồng có thể sử dụng lân rất hiệu quả và lâu dài hơn. Phân lân dạng lỏng như polyphotphat rất tiện lợi và dễ dàng hòa trộn với nhiều chất dinh dưỡng khác. Vì lân di chuyển kém trong hầu hết các loại đất, nên người nông dân nên tưới phân càng gần rễ để giúp tăng hiệu quả hấp thu.