Trong mỗi giai đoạn sinh trưởng khác nhau thì cây có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, vì vậy nhà nông thường trộn phân đơn thành NPK để linh hoạt sử dụng trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, việc trộn phân NPK từ các nguồn phân đơn đòi hỏi nhà nông phải am hiểu về đặc tính của từng loại phân đơn và cách trộn phân hiệu quả. Cùng nghe Funo.vn chia sẻ công thức trộn phân đơn thành NPK đơn giản, chi tiết!
1. Nguyên tắc cơ bản khi trộn phân đơn thành NPK?
Trộn phân đơn thành NPK là việc phối trộn các loại phân đơn thành hỗn hợp phân bón với đúng hàm lượng và tỷ lệ NPK phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây hoặc đặc điểm của đất trồng.
Nguyên tắc khi lựa chọn các loại phân để phối trộn:
- Lựa chọn các loại phân đơn có cùng kích thước hạt để tạo sự đồng đều khi phối trộn. Đối với phân Kali Clorua (Kali đỏ) có dạng hạt và dạng bột, bà con nên lựa chọn phân dạng hạt, vì phân Kali Clorua dạng bột sẽ bị lắng xuống đáy, làm hỗn hợp phân sau khi trộn không đều về mặt dinh dưỡng.
- Lựa chọn những loại phân đơn có độ tan đồng đều.
- Loại phân đơn được sử dụng phù hợp với đặc tính của đất và nhu cầu dinh dưỡng của cây.
2. Những loại phân đơn thường sử dụng để trộn thành NPK
Phân đơn | Tỷ lệ dinh dưỡng | Đặc điểm |
Phân Ure | 46% N |
- Tan nhanh trong nước - Thích hợp với nhiều loại cây trồng - Có thể bón trên nhiều loại đất, đặc biệt thích hợp cho đất giàu hữu cơ, pH thấp, đất phèn chua |
Phân Sunfat Amon (SA) | 21% N (amoni) + 24% S |
- Tan nhanh trong nước - Rất thích hợp với cây trồng: sầu riêng, rau thơm, sả, bạc hà,… -Phù hợp đất pH cao -Không sử dụng cho đất mặn, đất ẩm giàu hữu cơ vì dễ gây ngộ độc khí H2S |
Phân Supe Lân | 14 - 20% P2O5 |
- Tan trong nước, cây trồng hấp thu ngay nên thích hợp bón thúc - Có tính axit nên không bón đất chua |
Phân DAP | 18% N (amoni) + 46% P2O5 |
- Tan nhanh trong nước nên thích hợp để bón thúc - Thích hợp với nhiều loại cây trồng và nhiều loại đất |
Phân Kali Clorua (Kali đỏ) | 50 - 61% K2O |
- Tan nhanh trong nước - Không bón đất nhiễm mặn, phèn, chua - Nên sử dụng dạng hạt (kali miễng) để trộn phân NPK -Vì giá thành rẻ nên phân Kali Clorua có thể sử dụng giai đoạn kiến thiết. Không bón phân này cho cây có múi, sầu riêng giai đoạn nuôi trái vì sẽ làm giảm chất lượng trái (sượng trái) |
Phân Kali Sunphat |
40 - 50% K2O |
- Tan nhanh trong nước, một số phân dạng hạt tan chậm - Thích hợp giai đoạn nuôi trái, đặc biệt là cây nhạy cảm với Clorua: sầu riêng, cây có múi - Phân chua sinh lý, sử dụng lâu dài sẽ làm tăng độ chua của đất |
Lưu ý: Cùng một loại phân đơn, nhưng tỷ lệ dinh dưỡng sẽ khác nhau tùy vào từng nhà sản xuất. Vì vậy bà con cần xem kỹ thông số tỷ lệ dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm.
3. Cách trộn phân đơn thành NPK
Công thức chung để tính toán lượng phân đơn cần dùng để tạo thành 100 kg phân NPK
M= (a x 100) / b
M: khối lượng phân đơn cần đưa vào phối trộn
a: tỷ lệ dinh dưỡng trong công thức NPK cần phối trộn
b: tỷ lệ dinh dưỡng trong phân đơn sử dụng làm nguyên liệu (ví dụ Ure có 46% N, Supe Lân có 16% P2O5, kali clorua có 60% K2O)
Công thức 1: trộn NPK từ Ure, Supe Lân và Kali Clorua
Ví dụ: Để phối trộn thành 100 kg NPK 20-20-20 thì cần bao nhiêu phân Ure (46% N), phân Supe Lân (20% P2O5) và phân Kali đỏ (60% K2O)
Phân NPK 20-20-20 nghĩa là trong 100kg phân NPK có:
Tỷ lệ dinh dưỡng Đạm (N) = 20%
Tỷ lệ dinh dưỡng Lân (P2O5) = 20%
Tỷ lệ dinh dưỡng Kali (K2O) = 20%
Để có 100 kg NPK 20-20-20 thì cần:
- Số lượng phân Ure cần để cung cấp 20% N = (a x 100) / b = (20 x 100) / 46 = 43 kg
- Số lượng phân Supe Lân để cung cấp 20% P2O5 = (a x 100) / b = (20 x 100) / 20 = 100 kg
- Số lượng phân Kali đỏ cần để cung cấp 20% K2O= (a x 100) / b= (20 x 100) / 60 = 33 kg
Tổng lượng phân đơn cần dùng để tạo thành 100 kg NPK là = 43 + 100 + 33 = 176 > 100
Ghi chú: Khi tổng lượng phân đơn cần dùng lớn hơn nhiều so với lượng phân NPK thì hỗn hợp này không khả thi về mặt chi phí và công sức.
Muốn phối trộn những phân NPK có tỷ lệ dinh dưỡng cao, bà con không thể sử dụng các loại phân đơn thông thường mà cần phải lựa chọn những loại phân đơn có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn như: phân DAP (18% N, 46% P2O5), phân MKP (52,2% P2O5; 34,6% K2O), phân MAP (12,2% N; 61,8% P2O5),...
Công thức 2: trộn NPK từ Ure, DAP và Kali Clorua
Vì trong phân DAP chứa cả đạm và lân nên để tính được công thức trộn phân NPK cần ưu tiên tính khối lượng loại phân đơn chỉ chứa một nguyên tố dinh dưỡng đa lượng và nguyên tố dinh dưỡng đó không nằm trong phân đơn khác. Thứ tự tính khối lượng các loại phân đơn lần lượt là: Kali Clorua, DAP và Ure
Ví dụ: Để phối trộn thành 100 kg NPK 13-5-35 thì cần bao nhiêu phân Ure (46% N), phân DAP (18% N + 46% P2O5) và phân Kali Clorua (60% K2O)
Phân NPK 13-5-35 nghĩa là trong 100 kg phân NPK có
Tỷ lệ dinh dưỡng Đạm (N) = 13%
Tỷ lệ dinh dưỡng Lân (P2O5) = 5%
Tỷ lệ dinh dưỡng Kali (K2O) = 35%
Để có 100 kg NPK 13-5-35 thì cần:
- Số lượng phân Kali Clorua cần để cung cấp 35% K2O = (a x 100) / b = (35 x 100) / 60 = 58 kg
- Số lượng phân DAP cần để cung cấp 5% P2O5 = (a x 100) / b = (5 x 100) / 46 = 11 kg
- Tỷ lệ dinh dưỡng đạm (N) có trong 11 kg DAP= (18 x 11) / 100 = 2%
- Tỷ lệ dinh dưỡng đạm (N) mà phân Ure cần cung cấp = %N cần trộn (trong công thức NPK) - %N trong DAP = 13 - 2 = 11%
- Số lượng phân Ure cần để cung cấp 11% N = (a x 100) / b = (11 x 100) / 46 = 24 kg
- Khối lượng chất đệm (phân hữu cơ, đất,..) = 100 - 58 - 11 - 24 = 7 kg
Vậy để tạo thành 100 kg phân NPK 13-5-35 thì cần 24 kg Ure, 11 kg DAP, 53 kg Kali Clorua và 7 kg chất đệm.
Kết luận: Đối với các loại phân đơn chỉ chứa duy nhất nguyên tố dinh dưỡng thì bà con áp dụng công thức 1. Nếu bà con sử dụng phân chứa cả hai nguyên tố dinh dưỡng (phân DAP, MAP) thì cần xác định thứ tự ưu tiên để tính toán như công thức 2.
4. Một số công thức trộn phân đơn thành NPK
Bảng: Công thức trộn 100 kg NPK từ phân Ure, DAP và Kali Clorua
Đơn vị: kg
Công thức phân NPK | Lượng phân Ure | Lượng phân DAP | Lượng phân Kali Clorua | Tổng lượng phân đơn | Chất đệm |
30-10-10 | 57 | 22 | 17 | 94 | 6 |
30-20-5 | 48 | 43 | 8 | 99 | 1 |
20-10-10 | 35 | 22 | 17 | 69 | 31 |
19-9-19 | 34 | 20 | 32 | 86 | 14 |
19-19-19 | 25 | 41 | 32 | 98 | 2 |
16-16-8 | 21 | 35 | 13 | 69 | 31 |
20-20-15 | 26 | 43 | 25 | 94 | 6 |
15-5-20 | 28 | 11 | 33 | 72 | 28 |
16-16-16 | 21 | 35 | 27 | 83 | 17 |
25-25-5 | 33 | 54 | 8 | 95 | 5 |
15-30-15 | 7 | 65 | 25 | 97 | 3 |
Xem thêm:
Cách bón phân NPK - Cẩm nang hướng dẫn chi tiết
Quy trình bón phân cho hoa cúc cắt cành chi tiết từ A đến Z
Kỹ thuật bón phân cho cây cà phê đạt 6-7 tấn trên ha
5. Dụng cụ chuẩn bị cho việc trộn phân đơn thành NPK
- 1 tấm đệm nhựa để trộn phân
- Bao tay để bảo vệ da tay
- Kín để bảo vệ mắt
- 1 cân đồng hồ để cân phân trước khi trộn (nên chọn loại cân 60 kg)
6. Ưu và nhược điểm khi trộn phân đơn thành NPK
Ưu điểm | Nhược điểm |
Tiết kiệm chi phí từ 20-30% so với phân NPK trộn sẵn | Tốn công sức và thời gian |
Linh hoạt lựa chọn công thức phối trộn tùy thuộc vào nhu cầu của cây, đặc điểm của đất |
Dưỡng chất N, P2O5, K2O riêng mỗi hạt nên mỗi loại phân đơn có kích thước hạt lớn nhỏ khác nhau, khi bón dễ có hiện tượng không đồng đều các dưỡng chất dẫn đến trường hợp thiếu hoặc thừa một số yếu tố dinh dưỡng nào đó cho cây trồng |
Cung cấp dư thừa một số nguyên tố dinh dưỡng khác không cần thiết cho nhu cầu cây trồng. Ví dụ: trong Supe Lân có thêm Canxi, Kali Clorua cung cấp thêm Clorua |
7. Lưu ý khi trộn phân đơn thành phân NPK
- Cần tính toán đủ lượng phân cần dùng trước khi trộn vì phân trộn không bảo quản được lâu do chảy nước, vón cục, mất dinh dưỡng.
-
- Nếu trộn Supe Lân với đạm SA phải bón ngay vì nếu để để trong thời gian dài vì hai loại phân này có thể phản ứng tạo thành kết tủa CaSO4.
- Các phân Urê, Kali Clorua hút ẩm mạnh (dễ chảy nước khi để lâu trong không khí) khi trộn với nhau hoặc với phân khác để lâu rất dễ vón cục nên chỉ phối trộn trước khi bón.
- Tránh trộn các loại phân làm giảm chất lượng của phân còn lại,... cụ thể như:
-
- Tránh trộn phân SA với loại phân kiềm sẽ làm giảm chất lượng phân.
- Tránh trộn phân SA và Nitrat Amon với vôi hoặc Lân nung chảy vì làm bay hơi đạm trong phân.
Các phân lân như Supe Lân, … khi phối trộn với vôi sẽ tạo thành lân khó tiêu do kết tủa Canxi Photphat.
- Khi trộn phân cũng như khi bón phân cho cây phải chú ý đến độ đồng đều, tránh hiện tượng phân tầng, hạt nhỏ rơi tầng dưới nhiều hơn sẽ gây hiện tượng ngộ độc cho cây nếu thừa hoặc cây sinh trưởng phát triển kém nếu thiếu nguyên tố dinh dưỡng nào đó.
- Khuyến cáo nên trộn mỗi đợt với số lượng nhỏ để hỗn hợp phối trộn được đều hơn.
- Phân Lân nung chảy thường ít được sử dụng để trộn thành NPK do tan chậm hơn các loại phân đơn: Ure, đạm SA.
- Phân NPK thương phẩm thường bổ sung sẵn vi lượng (NPK + TE) vì vậy bà con trộn phân đơn thành NPK cần bổ sung thêm phân trung, vi lượng cho cây.
Trên đây là hướng dẫn công thức trộn phân đơn thành NPK đơn giản, chi tiết. Mọi thắc mắc về kỹ thuật, bà con vui lòng liên hệ hotline 0911 3111 00 để được tư vấn giải pháp phân bón chuyên biệt và miễn phí từ đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm của Funo!