PHÂN POLYPHOTPHAT LÀM TĂNG NĂNG SUẤT Ở CÂY ỚT CHUÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Biên tập bởi Nông Dược XanhĐăng 3 năm trước1,8390

Khi sử dụng phân lân vô cơ truyền thống, người nông dân phải bón nhiều hơn mới đáp ứng đủ nhu cầu của cây trồng. Do loại phân này nhanh chóng bị cố định trong đất, ít dạng dễ tiêu cho cây trồng sử dụng ngay. Việc bón phân lân dạng lỏng – polyphotphat, chứa nhiều dạng lân dễ hấp thu, nên chỉ cần một lượng phân bón nhỏ cho vụ mùa bội thu. Việc sử dụng polyphotphat đang là xu hướng ở các nền công nghiệp tiên tiến. Cùng Funo.vn tìm hiểu phân lân polyphotphat ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng ở chuông như thế nào nhé!

Khảo sát ảnh hưởng của các dạng phân lân đối với ớt chuông: 

  • (1) Trong đó dung dịch dinh dưỡng chứa 15% lân ở dạng polyphotphat và 85% lân ở dạng lân vô cơ truyền thống 
  • (2) Dung dịch dinh dưỡng chứa 100% lân ở dạng lân vô cơ truyền thống (cây đối chứng).

1. Ảnh hưởng của phân polyphotphat đến năng suất ớt chuông

Năng suất cao nhất thu được khi bón polyphotphat 15% với năng suất trung bình là 5,48 kg/cây. Trong khi cây đối chứng chỉ bón lân vô cơ truyền thống có năng suất thấp nhất, tương ứng 4.52 kg/cây. 

2. Ảnh hưởng của phân polyphotphat đến khả năng quang hợp của ớt chuông

Khả năng quang hợp của thực vật chịu ảnh hưởng của các sắc tố quang hợp (diệp lục). Cây ớt chuông được bón polyphosphat cho thấy khả năng quang hợp cao hơn so với cây không bón polyphotphat. Cụ thể, các thông số hoạt động của diệp lục tăng lên như: Fs (năng suất huỳnh quang ở trạng thái ổn định) và Fm (mức độ huỳnh quang tối đa của diệp lục a).

3. Ảnh hưởng của phân polyphotphat đến chất lượng của ớt chuông

Trọng lượng trung bình của quả khi bón polyphotphat đều cao hơn so với cây chỉ bón lâ vô cơ.

Tuy nhiên, phân polyphotphat không làm ảnh hưởng đến các chỉ số để đánh giá chất lượng quả như khối lượng chất khô, TSS (tổng chất rắn hòa tan), axit ascorbic, tổng lượng đường trong quả. Nồng độ của các thành phần này trong ớt chuông phụ thuộc chủ yếu vào giống cây trồng.

PHÂN POLYPHOTPHAT LÀM TĂNG NĂNG SUẤT Ở CÂY ỚT CHUÔNG NHƯ THẾ NÀO?

4. Ảnh hưởng của phân polyphotphat đến khả năng sinh trưởng của ớt chuông

Kết quả đo đạc cho thấy polyphotphat không ảnh hưởng đến chiều cao cây, sự phát triển chồi và số lá. Các yếu tốt này phụ thuộc nhiều vào giống cây trồng.

5. Ảnh hưởng của phân polyphotphat đến bệnh thối đít trái 

Sử dụng polyphosphat làm giảm tỷ lệ trái cây có các triệu chứng thối đít trái so với cây đối chứng. Nguyên nhân của bệnh thối đít trái ở ớt chuông, thường do thiếu dinh dưỡng canxi. Vì vậy, cung cấp dinh dưỡng canxi hợp lý sẽ giảm triệu chứng này. Ở cây bón polyphotphat hấp thụ nhiều canxi hơn so với dung dịch dinh dưỡng có chứa 100% lân vô cơ.

6. Ảnh hưởng của phân polyphotphat đến hàm lượng dinh dưỡng trong cây

Hàm lượng lân cũng như kali, kẽm, lưu huỳnh, magie và canxi trong lá cao hơn khi bón polyphotphat so với cây chỉ bón lân vô cơ. 

Polyphotphat có thể được xem là một trong những polyme có mật độ điện tích âm cao nhất (polyanion), do đó nó có thể liên kết hoặc hoạt động như một chất chelate hóa mạnh các cation kim loại. Các nghiên cứu đã cho thấy khả năng của polyphotphat cô lập các cation như Mn2+, Ni2+, Cu2+, Zn2+, Ca2+, Mg2+, Fe2+, Co2+,…, qua đó duy trì sự hòa tan của chúng trong dung dịch. Do đó, sử dụng polyphotphat làm tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác.

7. Kết Luận

Việc sử dụng polyphotphat làm tăng năng suất cây trồng, trọng lượng quả và cường độ quang hợp bằng cách tăng hoạt động của chất diệp lục. Bên cạnh đó, hàm lượng các chất dinh dưỡng và triệu chứng thối đuôi trái do thiếu canxi cũng được cải thiện nhờ polyphotphat.