BÓN ĐẠM KẾT HỢP LƯU HUỲNH TĂNG NĂNG SUẤT VƯỢT TRỘI Ở BẮP CẢI (SÚ)

Biên tập bởi Nông Dược XanhĐăng 3 năm trước2,3810

Trong các loại rau, bắp cải (Brassica oleracea var. Capitata L.) là loại rau được nhiều nông dân ưa chuộng vì có giá trị kinh tế cao. Bắp cải trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, phía Bắc và miền Trung. Trong điều kiện trồng trọt khó khăn như: giá phân bón tăng cao, lạm dụng phân bón gây ô nhiễm môi trường,… Vì vậy, kỹ thuật canh tác và sử dụng phân bón hiệu quả cần được quan tâm.

Một nghiên cứu về tăng hiệu quả sử dụng phân đạm ở bắp cải, khảo sát các công thức phân bón như sau: ruộng bắp cải không bón phân đạm, lưu huỳnh (ruộng đối chứng); 180 kg/ha đạm + không bón lưu huỳnh (lượng đạm tiêu chuẩn không kết hợp với lưu huỳnh); 180 kg/ha đạm + 40 kg/ha lưu huỳnh (lượng đạm tiêu chuẩn kết hợp với lưu huỳnh); 240 kg/ha đạm + không bón lưu huỳnh (lượng đạm cao không kết hợp với lưu huỳnh) và 240 kg/ha đạm + 40 kg/ha lưu huỳnh (lượng đạm cao kết hợp với lưu huỳnh)

Những cây bắp cải 35 ngày tuổi đã được trồng trên đất có pH 7.3, điều kiện nhiệt độ 12-19oC. Phân đạm sử dụng trong khảo sát này là canxi amoni nitrat (27% đạm). Các nguyên tố dinh dưỡng khác được cung cấp đầy đủ cho cây. Các loại phân được bón trên mặt đất một ngày trước khi trồng bắp cải.

Bón phân đạm kết hợp lưu huỳnh làm tăng năng suất bắp cải

Đối với ruộng đối chứng không bón phân, năng suất của bắp cải là 30.3 tấn/ha. Việc bón phân với 180 kg/ha đạm và 40 kg/ha lưu huỳnh đã tăng hơn gấp đôi năng suất lên 67.4 tấn/ha. Khi tăng lượng phân đạm lên 240 kg/ha (có sử dụng thêm lưu huỳnh) thì năng suất bắp cải đạt 75.8 tấn/ha.

Năng suất cây trồng cao hơn ở những cây bón phân kết hợp đạm và lưu huỳnh so với ruộng trồng không bón lưu huỳnh. Cụ thể, khi bón 180 kg/ha đạm không kết hợp lưu huỳnh thì năng suất đạt 62.7 tấn/ha, nếu bổ sung thêm lưu huỳnh thì năng suất đạt 67.4 tấn/ha. Khi bón 240 kg/ha đạm không bổ sung thêm lưu huỳnh thì năng suất đạt 66.8 tấn/ha, nếu bổ sung thêm lưu huỳnh thì năng suất đạt 75.8 tấn/ha.

Vậy, chỉ cần bón phân đạm ở mức tiêu chuẩn (180 kg/ha) kết hợp với phân lưu huỳnh thì năng suất cây trồng còn cao hơn so với bón đạm lượng cao (240 kg/ha) mà không bổ sung lưu huỳnh.

BÓN ĐẠM KẾT HỢP LƯU HUỲNH TĂNG NĂNG SUẤT VƯỢT TRỘI Ở BẮP CẢI (SÚ)

Bón phân đạm kết hợp lưu huỳnh làm tăng khả năng hấp thụ đạm của cây trồng

Sự hấp thụ đạm cao nhất ở những cây được bón lượng đạm cao và kết hợp với lưu huỳnh (lượng đạm được hấp thụ 225 kg/ha). Trong khi, lượng đạm được hấp thu thấp hơn đáng kể ở những cây trồng bón cùng lượng đạm nhưng không kết hợp với lưu huỳnh (lượng đạm được hấp thụ 192 kg/ha).

Việc bón cân đối đạm và lưu huỳnh làm tăng hiệu quả sử dụng của đạm trong cây trồng.

Bón phân đạm kết hợp lưu huỳnh làm tăng lượng nitơ, lưu huỳnh và giảm lượng nitrat gây hại

Tổng hàm lượng nitơ trong bắp cải bị ảnh hưởng khi bón đạm nhưng không bị ảnh hưởng đáng kể khi bổ sung lưu huỳnh. Hàm lượng đạm trong bắp cải tăng lên khi bón đạm ở mức cao (27.8 g/kg chất khô) so với cây đối chứng (15.2 g/kg chất khô).

Hàm lượng lưu huỳnh trong đầu bắp cải cao hơn đáng kể khi bón lưu huỳnh cùng với bón phân đạm. Hàm lượng lưu huỳnh tăng 13% đối với mức đạm tiêu chuẩn kết hợp với lưu huỳnh (180 kg/ha đạm + 40 kg/ha lưu huỳnh) và tăng 30% đối với mức đạm cao có bổ sung thêm lưu huỳnh (240 kg/ha đạm +40 kg/ha lưu huỳnh) so với cây đối chứng.

Nitrat sẽ gây độc cho cây trồng và con người khi dư thừa quá mức. Canh tác nông nghiệp an toàn là giữ lượng nitrat ở mức tối thiểu. Bón phân lưu huỳnh không chỉ tăng khả năng hấp thụ đạm trong đất mà còn giúp quá trình sử dụng đạm hiệu quả hơn. Điều này được phản ánh bằng hàm lượng nitrat thấp hơn ở cây được bón đạm kết hợp với lưu huỳnh, so với cây không thêm lưu huỳnh.

Hàm lượng nitrat cao nhất khi cây được bón đạm mức cao nhưng không kết hợp với lưu huỳnh (1,816 g/kg chất khô). Việc bổ sung lưu huỳnh ở mức đạm cao này đã làm giảm đáng kể (giảm 25%) hàm lượng nitrat trong bắp cải so với lúc không bón lưu huỳnh.

BÓN ĐẠM KẾT HỢP LƯU HUỲNH TĂNG NĂNG SUẤT VƯỢT TRỘI Ở BẮP CẢI (SÚ)

Bón phân đạm kết hợp lưu huỳnh giúp giảm lượng đạm dư thừa trong đất

Mức độ dư thừa đạm trong đất thay đổi tùy theo lượng phân cung cấp. Các nghiệm thức bón nhiều đạm (240 kg/ha) không có lưu huỳnh có mức đạm dư thừa cao nhất (gần 53 kg/ha). Trong khi các lô bón cùng một lượng đạm kèm theo lưu huỳnh có lượng đạm dư thừa giảm rõ rệt (từ 53 kg/ha giảm còn 19 kg/ha).

Sự thiếu hụt lưu huỳnh trong phân bón có thể dẫn đến việc sử dụng đạm trong đất kém hiệu quả. Điều này làm tăng nguy cơ rửa trôi nitrat. Vậy bón đạm kết hợp lưu huỳnh làm tăng khả năng sử dụng đạm hiệu quả của cây trồng và tối ưu chi phí sản xuất.

Bón phân đạm kết hợp lưu huỳnh làm tăng mức glucosinolate trong bắp cải

Glucosinolate là hợp chất phổ biến trong họ Cải, có vai trò bảo vệ thực vật. Vì chất này được tạo ra sau khi bị động vật ăn cỏ hoặc mầm bệnh tấn công và những thay đổi trong các yếu tố môi trường.

Đạm và lưu huỳnh có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp glucosinolate trong bắp cải. Mặc dù không có sự khác biệt đáng kể đối với tổng số glucosinolate, nhưng tỷ lệ đạm tiêu chuẩn với lưu huỳnh (180 kg/ha đạm + 40 kg/ha lưu huỳnh) cho thấy mức glucosinolate cao nhất.

Việc bổ sung lưu huỳnh làm tăng lượng glucosinolate béo. Trong khi việc bổ sung đạm làm giảm đáng kể mức glucobrassicin và tổng số glucosinolate nhóm indole. Đây có thể là hậu quả của việc thiếu lưu huỳnh trong quá trình tổng hợp glucosinolate ở thực vật do bón nhiều đạm.

 

Tăng lượng phân đạm lên đến 240 kg/ha kết hợp với 40 kg/ha lưu huỳnh dẫn đến năng suất bắp cải và khả năng hấp thụ đạm cao nhất. Ngoài ra tỷ lệ phân bón này còn làm giảm lượng đạm dư thừa sau khi thu hoạch và hàm lượng nitrat trong bắp cải. Sự tương tác của việc bón phân đạm và lưu huỳnh có ý nghĩa quan trọng đối quá trình tổng hợp glucosinolate.

Dịch thuật và tổng hợp bởi Công ty TNHH Funo