KỸ THUẬT BÓN ĐẠM CHO HOA CẮT CÀNH ĐẠT HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO

Biên tập bởi Nông Dược XanhĐăng 3 năm trước2,5400

Trên thế giới, hoa cắt cành là một ngành hàng có giá trị nhiều tỷ đô (USD). Hoa cắt cành là một trong những ngành xuất khẩu thu lại ngoại tệ lớn cho Việt Nam trong những năm gần đây. Trong đó Đà Lạt là nơi sản xuất hoa lớn nhất cả nước. Diện tích hoa hiện nay của cả tỉnh Lâm Đồng vào khoảng 2.500-2.600 ha. Vì vậy canh tác hoa cắt cành đạt hiệu quả và giá trị kinh tế cao là bài toán cần được giải quyết.

Nồng độ dinh dưỡng đạm ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng và chất lượng hoa cắt cành như chiều dài và độ dày của thân, kích thước và tuổi thọ của hoa. Bón đạm không đủ sẽ làm cây phát triển kém, thân ngắn, năng suất thấp hơn và có thể làm giảm tuổi thọ sau thu hoạch. Tuy nhiên, bón đạm quá mức có thể gây ra ngộ độc, lãng phí, ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế kém.

Một khảo sát về tỷ lệ bón đạm amoni nitrat (NH4NO3) khi trồng hoa cắt cành trên đất, phân đạm được bón với nồng độ như sau: không bổ sung đạm (cây đối chứng); bón đạm một lần 112kg/ha; bón đạm hai lần, mỗi lần 112kg/ha; bón ba lần đạm, mỗi lần bón 112kg/ha; và bón một lần 336kg/ha.

Đối với vườn hoa sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, nồng độ đạm amoni nitrat được khảo sát: 70ppm (nồng độ đạm thấp); 150ppm (nồng độ đạm vừa phải); 200ppm (nồng độ đạm cao).

KỸ THUẬT BÓN ĐẠM CHO HOA CẮT CÀNH ĐẠT HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO

Ảnh hưởng của nồng độ đạm đến năng suất và sản lượng hoa cắt cành

Việc bón phân hai hoặc ba lần trên mùa vụ đã làm tăng năng suất hoa hướng dương, hoa mào gà, hoa cúc và cải thiện chất lượng hoa của cây cosmos và cả hướng dương.

Ở hoa hướng dương, việc bón phân đạm có thể thu hoạch sớm hơn 6 ngày so với không bón đạm. Khi lượng phân đạm tăng lên gấp hai hoặc ba lần thì cũng không rút ngắn thời gian thu hoạch hơn đáng kể.

Hàm lượng đạm cao (336kg/ha) được bón vào đầu mùa sinh trưởng không hiệu quả so với bón phân hai hoặc ba lần trong mùa vụ. Việc bón lượng lớn phân bón ngay đầu mùa vụ sẽ làm tăng sự lãng phí phân bón qua quá trình rửa trôi, bay hơi,...Do đó, người nông dân nên bón phân nhiều lần trong thời kỳ sinh trưởng của cây.

Ở hoa đồng tiền, số lá trung bình đạt mức cao nhất là 7,12 lá khi cây được bón đạm nồng độ đạm 200ppm. Số lượng lá của mỗi cây có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng quang hợp, sự phát triển và chất lượng của thân hoa.

Cây được bón đạm với liều lượng 200ppm có số lượng cành hoa trung bình cao hơn so với các nồng độ đạm khác. Với liều lượng đạm này, số lượng lá cao hơn và khả năng quang hợp tăng, khả năng tích lũy sinh khối tăng dẫn đến số lượng cành hoa nhiều hơn.

KỸ THUẬT BÓN ĐẠM CHO HOA CẮT CÀNH ĐẠT HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO

Ảnh hưởng của nồng độ đạm đến chất lượng và tuổi thọ hoa cắt cành sau thu hoạch

Thân hoa đạt chiều dài nhất là 39,74cm ở nồng độ đạm 200ppm. Nồng độ đạm này cũng làm cho hoa to hơn. Đường kính hoa trung bình nằm trong khoảng 10,03 - 10,13 cm đối với hoa cúc đồng tiền. Thân hoa dài hơn có lợi hơn vì thời gian sử dụng của hoa có thể được kéo dài hơn bằng cách cắt bớt cành nhằm loại bỏ các mô không còn khả năng hút nước.

Dưới hàm lượng đạm 200ppm, đường kính trung bình của thân dày nhất (5,7mm). Sức đề kháng của thân hoa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi độ dày của nó. Bởi vì thân hoa có đường kính rộng có khả năng chống chịu tốt hơn đối với các chấn thương cơ học có thể xảy ra trên đồng ruộng hoặc quá trình sau thu hoạch.

Tuổi thọ của hoa sau thu hoạch cũng bị ảnh hưởng tích cực khi tăng liều lượng đạm. Hoa đồng tiền có tuổi thọ hơn 16 ngày kể từ ngày khi được tưới đạm 200ppm. Có thể kéo dài tuổi thọ của hoa bằng cách kết hợp bón Canxi (Ca) trước khi thu hoạch. Sau khi thu hoạch, cành hoa không được bổ sung thêm chất dinh dưỡng. Do đó, những cành hoa nhận được nhiều chất hữu cơ hơn trong quá trình phát triển sẽ có tuổi thọ cao hơn.

Chiều dài thân, đường kính gốc, đường kính hoa và tuổi thọ cao nhất ở hoa đồng tiền được tưới đạm nồng độ 200ppm.

Ảnh hưởng của nồng độ đạm đến nồng độ chất dinh dưỡng trong cây

Việc tăng lượng phân đạm cũng làm tăng đáng kể nồng độ đạm ở lá của các loài so với cây không được bón phân.

Nhìn chung, các cây hoa cắt cành được bón một lần 336kg N ha-1 có hàm lượng đạm (N), Sắt (Fe), Canxi (Ca), Magie (Mg), Mangan (Mn), lưu huỳnh (S) và Kẽm (Zn) cao hơn so với các thí nghiệm phân bón khác. Tuy nhiên, không có sự khác biệt quá nhiều về hàm lượng dinh dưỡng trong lá khi cây được bón phân hai hoặc ba lần trên mùa vụ so với bón 336kg/ha vào đầu mùa. Đôi khi, bón đạm quá nhiều còn làm giảm khả năng hấp thu và tích lũy các nguyên tố dinh dưỡng. Ví dụ, hàm lượng Kali (K) cao nhất xảy ra khi cây được bón một lần với lượng 112 kg/ha. Vì vậy, bón phân hai đến ba lần trên mùa vụ là cách bón đạm tối ưu nhất về năng suất và chi phí sản xuất.

 

Cung cấp phân đạm thường xuyên từ hai đến ba lần trong suốt mùa sinh trưởng làm tăng số lượng hoa, chiều dài thân so với không bón phân hoặc cung cấp một lần vào đầu mùa vụ. Ở vườn hoa sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, nồng độ 200ppm đạm trong dung dịch là giá trị tối ưu cho năng suất, chất lượng và tuổi thọ hoa cắt cành. Tuy nhiên, con số này còn phụ thuộc vào loại cây trồng, điều kiện trồng, pH,...