Chitosan có tác dụng gì? 10 tác dụng của Chitosan nhà nông phải biết

Biên tập bởi CTVĐăng 2 tháng trước1210

Chitosan có tác dụng gì mà được xem như một trợ thủ đắc lực giúp cây phát triển nhanh chóng, tăng sức đề kháng và cải thiện năng suất. Nông Dược XANH mời bà con tham khảo bài viết sau để biết công dụng thực sự sản phẩm này.

1. Chitosan có tác dụng tiêu diệt bệnh hại cây trồng

Chitosan ức chế một số vi khuẩn có hại, bao gồm Xanthomonas (bệnh héo rũ, bệnh đốm lá, cháy lá vi khuẩn,...), Pseudomonas syringae (Bệnh đốm lá vi khuẩn trên cây có múi), Agrobacteria tumefaciens (u sần rễ) và Erwinia carotovora (Bệnh thối nhũn),... Tuy nhiên, chitosan có hiệu quả chống lại nấm hơn là chống lại vi khuẩn.

Chitosan xâm nhập vào thành tế bào của vi khuẩn, phá vỡ quá trình trao đổi chất sinh lý thường xuyên của chúng hoặc thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến di truyền của chúng, làm keo tụ và thoái hóa các thành phần nội bào, ức chế sự sinh sản của vi khuẩn và cuối cùng gây ra cái chết của vi sinh vật. 

Bên cạnh đó, chitosan cũng kích thích cây sản xuất chất phytoalexin - chất kháng nấm tự nhiên. Chất này hình thành lớp màng bảo vệ trên bề mặt cây trồng ngăn chặn sự xâm nhập của nấm gây bệnh vào mô cây. 

Chitosan còn cạnh tranh môi trường sống, dinh dưỡng để giảm thiểu sự lây lan nấm bệnh từ cây này sang cây khác hạn chế bùng phát dịch trong vườn cây.

pha-vo-mang-te-bao-vi-khuan.png

Chitosan tiêu diệt vi sinh vật

2. Chitosan tạo hàng rào vật lý phòng ngừa sự xâm nhập mầm bệnh

Khi được tưới trên bề mặt cây trồng, chitosan tạo ra một lớp màng mỏng bảo vệ vật lý tại vị trí xâm nhập để ngăn chặn mầm bệnh lây lan và bảo vệ các tế bào khỏe mạnh. Đồng thời, nó kích thích tiết ra H2O2 để củng cố thành tế bào, báo động tế bào xung quanh.

3. Chitosan kích thích tăng trưởng và phát triển cho cây trồng

Chitosan hoạt động như một chất kích thích tăng trưởng ở nhiều loại cây như đậu, khoai tây, củ cải, hoa đồng tiền, đậu tương, bắp cải và các loại cây trồng khác giúp nâng cao năng suất cây trồng. Bên canh đó, chitosan cũng ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của chồi, rễ, ra hoa và số lượng hoa.

Tác dụng của chitosan với cây trồng có sử dụng hàm lượng 0.2-0.5% hạt nảy mầm nhanh, sinh trưởng mạnh mẽ và kháng bệnh tốt hơn. Trong cùng điều kiện canh tác và dinh dưỡng, cây trồng có dùng chitosan năng suất tăng 1,66 lần.

Chitosan còn được sử dụng để cải tạo đất và nước, giữ cân bằng sinh thái canh tác, kích thích hoạt tính sinh học, tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Năng suất cây tăng lên và lượng phân bón hóa học cần dùng giảm đi đáng kể.

Chitosan kích hoạt các hormone thực vật như auxin và cytokinin ảnh hưởng trực tiếp đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Những phát hiện chính cũng chỉ ra rằng chitosan mật độ thấp thích hợp nhất để sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng. Nếu sử dụng ở nồng độ cao sẽ có tác dụng phụ và ức chế sự phát triển của rễ.

4. Chitosan giúp tăng năng suất cây trồng 

Chitosan có đặc tính thúc đẩy sinh trưởng tự nhiên, giúp tăng quá trình hình thành củ non trên cây khoai tây, khoai lang, đậu phộng, gừng và nghệ, từ đó giúp cây cho năng suất cao hơn. Với cây ăn trái, sử dụng chitosan trong giai đoạn trái đang lớn giúp kích thích trái lớn nhanh và phòng ngừa một số loại sâu bệnh, côn trùng tấn công quả non. 

Ví dụ: Cây mãng cầu, phun chitosan vào giai đoạn trái 2 tháng tuổi đến khi thu hoạch giúp phòng ngừa hiện tượng trái bị dòi vào mùa mưa.

Đối với cây có múi như cam quýt và bưởi da xanh, dùng chitosan theo chu kỳ hàng tháng cùng phân bón lá giúp trái lớn nhanh, màu sắc sáng, bóng đẹp và phòng được sâu đục trái hiệu quả.

chitosan-tang-kich-thuoc-trai.png

Chitosan tăng kích thước trái

5. Chitosan như phân bón sinh học thế hệ mới

Trong nghiên cứu gần đây, chitosan được sử dụng như một loại phân bón sinh học giúp cải thiện năng suất cây trồng và giảm ô nhiễm môi trường. Khi kết hợp với lysozyme, chitosan giảm tổn thương trên thân cà chua xuống 14%.

Ở khoai tây, chitosan làm giảm bệnh mốc sương và tăng sự hấp thu dinh dưỡng, phù hợp cho sản xuất hạt giống khoai tây hữu cơ. Ngoài ra, chitosan trộn với phân bón cải thiện hàm lượng nitơ và phốt pho trong rễ và chồi của cây Eustoma grandiflorum. 

Đối với bắp cải Trung Quốc, sản phẩm chứa chitin giúp cây tăng trưởng nhanh hơn so với phân khoáng tiêu chuẩn. Chitosan kết hợp với phân N, P, K cũng cho thấy hiệu quả trong việc giảm tác động của bệnh trên cây.

6. Chitosan và vai trò bảo quản nông sản sau thu hoạch

Đối với thành phẩm nông sản thì chitosan có tác dụng gì khi được sử dụng như chất bảo quản? 

Khi trái cây được phủ lớp mỏng chitosan ở dạng nano cho thấy các chỉ số hóa sinh: pH, hàm lượng chất khô hòa tan và tỷ lệ hao hụt vitamin C,... đều biến đổi ít hơn so với không sử dụng chitosan. Sự biến thiên hàm lượng đường cũng diễn ra chậm hơn.

Nhiều nghiên cứu chứng minh các loại trái cây có sử dụng chitosan để bảo quản sẽ giúp hạn chế sự thất thoát khối lượng, duy trì cấu trúc cũng như tính chất cảm quan của quả sau 5 tuần (bảo quản ở 12 oC, độ ẩm 85 – 90%).

Do đó, chitosan tạo ra một lớp màng bảo vệ, giảm sự thoát hơi nước, kiểm soát độ ẩm, sự trao đổi chất và hoạt động enzyme, giúp duy trì độ tươi ngon của sản phẩm..

su-khac-nhau-cua-san-pham-co-su-dung-chitosan.png

Sự khác nhau của sản phẩm có sử dụng Chitosan

7. Chitosan tăng cường hiệu quả hấp thu phân bón

Chitosan liên kết với các ion kim loại như sắt, đồng, mangan...và khoáng chất. Khi chitosan tạo chelate với các khoáng chất, nó giúp tăng khả năng hòa tan và di chuyển khoáng chất trong đất cây trồng dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng hơn.

Vì vậy, việc sử dụng chitosan cùng phân bón giúp cải thiện hiệu quả hấp thụ phân bón của cây trồng và cũng làm giảm chi phí sản xuất.

8. Chitosan và vai trò hỗ trợ quá trình làm lành vết thương

Chitosan bám chặt vào phân tử sinh học và làm lành vết thương nhanh chóng khi có tổn hại hoặc mầm bệnh tấn công. Khi này, chitosan tổng hợp và hình thành protein PR và protein bảo vệ như phenylalanine ammonia-lyase và peroxidase. Hai enzyme này giúp tổng hợp và xây dựng ma trận lignin, hình thành tyllose, những chất quan trọng trong quá trình làm lành vết thương.

9. Chitosan tăng cường cơ chế phòng thủ tự nhiên của cây 

Chitosan kích thích cây sản xuất các chất kháng khuẩn như phytoalexin và các protein phòng thủ giúp ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh. Các tế bào thực vật được tăng thêm sức mạnh nhờ chitosan kích thích sự tổng hợp các hợp chất như lignin và callose, từ đó làm tăng khả năng chống chịu với các tác nhân gây bệnh.

Khi cây kích hoạt cơ chế phòng thủ sẽ thay đổi về vật lý và sinh lý học hạn chế nấm bệnh tiếp cận vào mô tế bào lá, tăng nồng độ acid phenolic và lignin trong lá. Ngoài ra, Chitosan cải thiện khả năng giữ nước của cây và tăng cường sự hấp thụ các chất dinh dưỡng, giúp cây khỏe mạnh hơn và gia tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi.

10. Trong điều kiện thời tiết bất lợi chitosan có tác dụng gì với cây trồng

Chitosan phun lên lá giúp cây kích hoạt cơ chế phòng đối phó với stress môi trường như hạn hán, mưa nhiều, nhiệt độ cao thấp đột ngột. Với đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm, giúp cây chống lại mầm bệnh dễ phát triển trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Ví dụ: Ở táo, cây con được phun chitosan lên lá, giúp tăng cường hoạt động chống oxy hóa, giảm rò rỉ chất điện phân và phục hồi độ ẩm dưới áp lực hạn hán liên tục trong 35 ngày. Chitosan cũng được báo cáo là tạo ra khả năng chống chịu hạn hán ở khoai tây, hoa lan, lúa và nho,...

chitosan-la-phan-bon-trong-nong-nghiep.png

Chitosan là phân bón trong nông nghiệp

Hơn nữa, chitosan gây ra hoạt động ABA, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh khẩu độ lỗ khí khổng và làm giảm tốc độ thoát hơi nước khi cây trải qua giai đoạn stress hạn, stress nhiệt

Thông qua bài viết bà con đã biết chitosan có tác dụng gì với cây trồng và hơn thế nữa nó còn hỗ trợ nhà nông bảo vệ môi trường. Bà con muốn được tìm hiểu thêm sản phẩm chứa hoạt chất này, liên hệ ngay với Nông dược XANH qua hotline 09.6661.6664 để được tư vấn miễn phí và chi tiết!