Cách phân loại các nhóm thuốc bảo vệ thực vật Nhà nông cần biết

Biên tập bởi Diễm TrinhĐăng 8 tháng trước1,9410

Thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng rộng rãi để bảo vệ cây trồng khỏi những đối tượng gây hại. Hiện nay thuốc bảo vệ được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau dựa vào mục đích sử dụng, nguồn gốc điều chế, độ độc của thuốc và theo các cách tác động của thuốc. Mời bà con cùng tham khảo bài viết sau của Nông Dược XANH để tìm hiểu về các nhóm thuốc bảo vệ thực vật và từ đó có cách sử dụng an toàn hơn!

1. Khái niệm về thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ dịch hại hay thuốc bảo vệ cây trồng là những hợp chất hoá học hoặc những chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng trước sự phá hại của những sinh vật gây hại (côn trùng, nấm, vi khuẩn, nhện, tuyến trùng, cỏ dại,…).

Ngoài tác dụng phòng trừ sinh vật gây hại, thuốc BVTV còn bao gồm cả những chế phẩm có tác dụng điều hoà sinh trưởng thực vật, các chất làm rụng lá, làm khô cây. Những chế phẩm này có tác dụng xua đuổi hoặc thu hút các loài sinh vật gây hại đến để tiêu diệt.

Thuốc BVTV rất đa dạng về số lượng. Để dễ dàng quản lý và sử dụng, thuốc BVTV được chia theo một số cách sau:

2. Phân loại các nhóm thuốc bảo vệ thực vật theo mục đích sử dụng

Dựa trên đối tượng sinh vật gây hại, thuốc BVTV được chia thành các nhóm như sau:

  • Thuốc trừ sâu: là các chất được sử dụng để phòng trừ các loại sâu hại và côn trùng trên cây trồng.
  • Thuốc trừ bệnh: là các chất được sử dụng để phòng ngừa các bệnh trên cây trồng được gây ra bởi nấm và nhiều loại vi sinh vật như vi khuẩn, xạ khuẩn, virus.
  • Thuốc trừ cỏ: là các chất được sử dụng để kiểm soát các loại thực vật như cỏ dại, cây dại mọc lẫn với cây trồng.
  • Thuốc trừ chuột: là các chất được sử dụng để tiêu diệt chuột ngoài đồng ruộng, vườn cây, trại chăn nuôi, trong nhà,…
  • Chất dẫn dụ côn trùng: là các chế phẩm từ những chất do cơ thể côn trùng tiết ra và có tác dụng dẫn dụ sinh lý hay hành vi của côn trùng cùng loài.
  • Thuốc trừ ốc: là các chất được sử dụng để tiêu diệt ốc gây hại cho cây trồng.

3. Phân loại các nhóm thuốc bảo vệ thực vật theo nguồn gốc điều chế

Dựa vào nguồn gốc điều chế, thuốc BVTV được chia thành 2 nhóm:

a. Nhóm thuốc có nguồn gốc hóa học
Là các chất được tổng hợp từ phản ứng hóa học, gồm 4 nhóm phổ biến là Clo hữu cơ, Lân hữu cơ, Carbamat và Pyrethroid (Cúc tổng hợp)

Nhóm Clo hữu cơ:

  • Là các dẫn xuất Clo của một số hợp chất hữu cơ như Diphenyletan, Cyclodien, Benzen, Hexan.
  • Thời gian bán phân hủy dài
  • Hiện nay, Nhóm Clo hữu cơ đã bị cấm sử dụng

Nhóm Lân hữu cơ:

  • Là các este của axit photphoric
  • Thời gian bán phân hủy ngắn hơn so với nhóm Clo hữu cơ và được sử dụng rộng rãi hơn
  • Tác động vào thần kinh của côn trùng bằng cách ngăn cản sự tạo thành men Cholinesterase của hệ thần kinh
  • Có độc tính với người và động vật máu nóng
  • Một số hoạt chất điển hình của nhóm này là Malathion, Fenitrothion, Methyl Parathion, Ethyl Parathion, Diazinon, Phosphamidon, Diclovos, Chlopyrifos, Monocrotophos, Chlorophos, Methamidophos, Dimethoate, Phenthoate, Glysophate,...

Nhóm Carbamat:

  • Là các dẫn xuất hữu cơ của axit cacbamic
  • Phổ tác dụng rộng và có tác dụng chọn lọc đối với nhóm côn trùng chích hút
  • Thời gian cách ly ngắn
  • Thời gian phân hủy rất nhanh, chỉ từ 1 đến vài tuần
  • Nhóm Carbamat tác động trực tiếp vào men Cholinesterase của hệ thần kinh và có cơ chế gây độc giống như nhóm lân hữu cơ
  • Có độc tính đối với người và động vật
  • Một số hoạt chất đại diện cho nhóm này là Carbofuran, Carbaryl, Carbosulfan, Isoprocarb, Methomyl,…

Nhóm Pyrethroid (cúc tổng hợp):

  • Là hỗn hợp của các este khác nhau và là thuốc trừ sâu có nguồn gốc tự nhiên từ cây hoa cúc
  • Phổ trừ sâu rộng và có hiệu lực cao
  • Có độc tính thấp với động vật máu nóng nhưng độc cao với cá
  • Dễ bị phân hủy quang hóa nên thường dùng để diệt và loại côn trùng trong nhà
  • Các hoạt chất thuộc nhóm Pyrethroid tổng hợp được sử dụng rộng rãi nhất bao gồm Permethrin, Cypermethrin và Deltamethrin

Ban-sao-cua-Phan-loai-theo-goc-hoa-hoc.png

Hình ảnh về gốc hóa học của 4 nhóm Clo hữu cơ, Lân hữu cơ, Carbamat và Pyrethroid

Ngoài ra, còn có nhiều chất khác từ gốc hóa học như Phenylamide, Phthalimide, Chloroacetamide, Triazine, Triazole, Urea, Sulfonylurea, Phenoxy, Neonicotinoid, Propionate, Dinitrophenol, Benzoic,…

b. Nhóm thuốc có nguồn gốc sinh học 
Là những chế phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, gồm các nhóm phổ biến như:

Vi sinh:

  • Thành phần của thuốc trừ sâu vi sinh là vi khuẩn, nấm, virus, tuyến trùng và động vật nguyên sinh. Các vi sinh vật trên có khả năng tiết ra chất chứa các kháng thể giúp tiêu diệt sâu bệnh.
  • Một số loại thuốc trừ sâu vi sinh hoạt động theo nguyên lý cạnh tranh sinh tồn, nghĩa là hoạt động bằng cách cạnh tranh quyết liệt với sinh vật gây hại.
  • Thuốc trừ sâu vi sinh được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là thuốc có chiết xuất từ chủng khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt). Thuốc từ chủng khuẩn Bt sinh ra protein gây hại cho côn trùng.

Ngoài ra, còn nhiều chế phẩm thuốc trừ sâu vi sinh khác như:

  • Thuốc trừ sâu từ vi nấm như Beauveria bassiana (nấm trắng) và Metarhium anisopliae (nấm xanh), các chất này tiết ra enzyme phá vỡ chitin và protein ở biểu bì của công trùng.
  • Thuốc trừ sâu chứa kháng sinh từ xạ khuẩn như thuốc Avermectin, Abamectin, Emamectin, Methylamine Avermectin, Spinosad và Spinetoram được sản xuất chủ yếu từ xạ khuẩn Streptomycin avermitilisSaccharopolyspora spinosa. Thuốc có khả năng diệt trừ côn trùng thông qua tiếp xúc và vị độc hoặc có thể thông qua nội hấp.
  • Thuốc trừ sâu từ virus như nhóm Baculovirus, nhóm virus tế bào chất (CPV), nhóm Entomopox virus (EV),...  Chế phẩm thuốc trừ sâu virus được sử dụng tại Việt Nam là từ nuclear polyhedrosis virus (NPV) - virus nhân đa diện thuộc nhóm Baculovirus. Virus này xâm nhập vào ruột côn trùng, tác động vào hạch tế bào ruột giữa và phá hủy toàn bộ chức năng ruột.

Thảo mộc:

  • Thành phần của thuốc trừ sâu thảo mộc là các chất có sẵn trong cây cỏ hoặc dầu thực vật.
  • Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc trừ sâu nguồn gốc thảo mộc chứa các loại hoạt chất như azadirachtin từ cây neem, hoạt chất matrine từ khổ sâm, hoạt chất rotenone từ dây thuốc cá và hoạt chất pyrethrin từ hoa cúc.
  • Thuốc trừ sâu thảo mộc được sử dụng phổ biến là thuốc từ cây neem (hay còn gọi là cây xoan, sầu đâu) có thành phần hoạt chất chính là azadirachtin. Thuốc có khả năng phòng trừ sâu hại hiệu quả trên nhiều loại cây trồng khác nhau như lúa, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa, cây cảnhđộc

Để thể hiện mức độ độc hại của mỗi loại thuốc, người ta sử dụng chỉ số gây độc cấp tính LD50 hay còn gọi là liều gây chết trung bình căn cứ thử nghiệm trên thỏ hoặc chuột bạch. Chỉ số LD50 càng thấp thì thuốc càng độc và ngược lại chỉ số LD50 càng cao thì thuốc càng ít độc.

Thuốc BVTV phân loại theo độc tính gồm 4 nhóm với 4 băng màu tương ứng với độc của thuốc:

Nhóm Ia, Ib (băng màu đỏ PMS red 199C):

  • Nhóm Ia: rất độc. Các hoạt chất thuốc trừ sâu trong nhóm Ia gồm có Parathion, Paration methyl, Phosphamidon, Captafol, Aldicarb, Hexachlorobenzen,…
  • Nhóm Ib: độc. Các hoạt chất thuốc trừ sâu trong nhóm Ib gồm có Dichlorvos, Methamidophos, Nicotine, Carbofuran, Zinc phosphide, Abamectin, Cyfluthrin,...

Nhóm II (băng màu vàng PMS yellow C):

  • Nhóm II: nguy hiểm. Các hoạt chất thuốc trừ sâu trong nhóm II gồm có Paraquat, DDT, 2,4-D, Diazinon, Fipronil, Cypermethrin, Carbosulfan, Chlordane, Chlorpyrifos,...
  • Nhóm III (băng màu xanh da trời PMS blue 293C):
  • Nhóm III: cẩn thận. Các hoạt chất thuốc trừ sâu trong nhóm III gồm có Malathion, Atrazine, Chlorpyrifos methyl, Glyphosate, Diuron, Butachlor,...

Nhóm IV (băng màu xanh lá cây PMS green 347C):

  • Nhóm IV: cẩn thận. Các hoạt chất thuốc trừ sâu trong nhóm Ib gồm có Carbendazim, Triasulfuron, Benomyl, Captan, Imazapyr, Tetramethrin,...

Bảng phân loại độ độc các nhóm thuốc trừ sâu:

Ban-sao-cua-Phan-loai-theo-do-doc.png

5. Phân loại các nhóm thuốc bảo vệ thực vật theo cách tác động 

Dựa trên các cách tác động của thuốc BVTV đối với đối tượng gây hại, có thể chia thành các nhóm thuốc như sau: 

  • Nhóm thuốc theo tác động tiếp xúc: Khi phun thuốc lên cơ thể côn trùng hoặc khi côn trùng di chuyển trên thân, lá của cây có phun thuốc thì thuốc sẽ thấm qua da, biểu bì côn trùng và đi vào bên trong cơ thể của chúng để gây độc.
  • Nhóm thuốc theo tác động xông hơi: Khi thuốc ở thể khí (hoặc ở thể lỏng hay thể rắn nhưng có khả năng bay hơi ở điều kiện thường và chuyển sang thể khí) xâm nhập vào cơ thể côn trùng thông qua đường hô hấp như lỗ thở của côn trùng để gây độc.
  • Nhóm thuốc theo tác động vị độc: Khi phun thuốc trên lá, thân cây và côn trùng ăn phải những bộ phận của cây đã dính thuốc thì thuốc sẽ xâm nhập vào hệ tiêu hoá của côn trùng để gây độc.
  • Nhóm thuốc theo tác động lưu dẫn/nội hấp: Khi thuốc được phun lên cây hoặc tưới, bón vào gốc cây thì thuốc sẽ hấp thụ vào bên trong cây, sau đó dịch chuyển đến các bộ phận khác của cây để gây độc cho những loại côn trùng chích hút nhựa cây.

Ngoài ra, còn có một số loại thuốc BVTV có tính xua đuổi hoặc làm côn trùng ngán ăn như:

  • Nhóm thuốc theo tác động xua đuổi. Khi phun thuốc lên các bộ phận của cây thì đối tượng gây hại sẽ di chuyển ra xa các bộ phận của cây có phun thuốc.
  • Nhóm thuốc theo tác động làm côn trùng ngán ăn. Khi phun thuốc lên cây, đối tượng gây hại sẽ bắt đầu ăn những bộ phận của cây có nhiễm thuốc. Lúc này thuốc sẽ có tác động gây ngán ăn, khiến đối tượng gây hại ngừng ăn. Cuối cùng làm cho đối tượng gây hại sẽ chết vì đói.

Việc phân loại các nhóm thuốc bảo vệ thực vật giúp bà con lựa chọn được loại thuốc phù hợp với mục đích sử dụng và đối tượng cần bảo vệ. Qua thông tin chung ở mỗi nhóm thuốc, bà con cũng hiểu rõ hơn về tác động của thuốc đối với con người và môi trường. Bài viết trên đã giới thiệu tổng quan về các cách phân loại các nhóm thuốc bảo vệ thực vật. Mọi thắc mắc hoặc nhu cầu tư vấn kỹ thuật, bà con vui lòng gọi điện cho Nông Dược XANH qua số hotline 0966616664 để được tư vấn chi tiết và miễn phí.