Cẩm nang trồng cây thanh long chi tiết từ A-Z dành cho người mới

Biên tập bởi Lưu HoaĐăng 8 tháng trước6720

Thanh long đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, khi là một trong những loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo được năng suất, chất lượng trái thanh long sau này thì kỹ thuật trồng thanh long ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ sự sinh trưởng cũng như giá trị thương phẩm của trái. Bài viết này, Nông Dược Xanh muốn bật mí cho bà con về kỹ thuật trồng thanh long đúng tiêu chuẩn để cây thanh long đảm bảo giá trị kinh tế.

1. Thời vụ thích hợp nhất để trồng cây thanh long

Tháng 10-11 thường là thời điểm thích hợp nhất, với ưu điểm là có nguồn hom giống phong phú do trùng với đợt tỉa cành của cây thanh long sau thu hoạch. 

Đồng thời tránh được nguy cơ ngập úng ở các vùng đất thấp. Tuy nhiên, mùa này cây non sẽ phải chống chịu với nắng hạn, do đó, bà con cần chú ý tưới nước và duy trì độ ẩm cho cây. 

Hinh-Nen-trong-thanh-long-vao-thang-10-11-sau-thu-hoach-de-co-nguon-hom-giong-doi-dao.jpg
Hình: Nên trồng thanh long vào tháng 10-11 sau thu hoạch để có nguồn hom giống dồi dào

2. Tiêu chuẩn chọn giống cây thanh long

Trên thị trường hiện có hai loại thanh long phổ biến: thanh long ruột đỏ và ruột trắng. Bà con có thể lựa chọn theo sở thích cá nhân hoặc nhu cầu thị trường. Tuy nhiên khi chọn giống trồng cần lưu ý những điều sau: 

  • Chọn hom từ cành có độ tuổi từ 12-24 tháng, chiều dài khoảng 40-50cm. 
  • Chọn cành có màu xanh đậm, cành đã ra quả và không có dấu hiệu của bệnh hoặc nấm mốc. 
  • Hom giống nên được chọn từ cành có chùm gai đều, khoảng 3-5 gai/mắt là tốt nhất vì khả năng lên chồi cao.
  • Sau khi chọn hom xong, hom được dựng nơi thoáng mát, trên nền đất khô ráo, trong vòng 10 - 15 ngày hom bắt đầu nhú rễ thì bà con có thể đem trồng.
     Hinh-Hom-thanh-long-duoc-dat-o-noi-thoang-mat-tren-nen-dat-kho-rao-trong-vong-10-15-ngay-.jpg

Hình: Hom thanh long được đặt ở nơi thoáng mát, trên nền đất khô ráo trong vòng 10-15 ngày 

Lựa chọn giống thanh long theo những tiêu chuẩn này không chỉ giúp ngăn chặn khả năng nhiễm bệnh mà còn đảm bảo cây trồng phát triển mạnh mẽ, đồng đều, mang lại năng suất thương phẩm cao cho bà con nông dân.

3. Chuẩn bị đất trồng cây thanh long

Mỗi vùng có một quy trình chuẩn bị đất trồng thanh long khác nhau, đóng vai trò quan trọng để đảm bảo môi trường tốt nhất cho cây phát triển. 

Đối với vùng đất cao như Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai,..

  • Phần lớn đất ở các tỉnh này có thể là đất xám bạc màu, đất cát pha, hoặc đất núi
  • Đất dễ xói mòn, rửa trôi, do đó, cần bón nhiều phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) để cải tạo đất.
  • Bà con nên xử lý việc cắm cọc, đào lỗ và xuống trụ sớm. Sau khi chôn trụ xong, đào hố quanh trụ, sâu 20cm, rộng 1,5cm và tiến hành bón lót phân chuồng và phủ đất.
     Hinh-Doi-voi-vung-dat-cao-sau-khi-chon-tru-dao-ho-quanh-tru-de-bon-phan-lot-cai-tao-dat-trong-.jpg

Hình: Đối với vùng đất cao, sau khi chôn trụ đào hố quanh trụ để bón phân lót cải tạo đất trồng 

Đối với vùng đất thấp và nhiễm phèn như Tiền Giang, Long An,..

  • Đất thấp ngoài vấn đề xây trụ, cần phải lên mô (luống) trước khi trồng, mô đất trồng cách mặt ruộng khoảng 40cm để đề phòng ngập nước trong mùa mưa.
     Hinh-Doi-voi-vung-dat-thap-tao-mo-hoac-luong-de-tranh-ngap-ung-vao-mua-mua.jpg

Hình: Đối với vùng đất thấp, tạo mô hoặc luống để tránh ngập úng vào mùa mưa

Bà con lưu ý, cày bừa kỹ trong mùa nắng, phơi đất, và loại bỏ cỏ dại. Cần chú ý đến cỏ nguy hiểm như cỏ tranh, cỏ ống, và cỏ sâu róm, để tránh chi phí trừ cỏ cao sau này.

4. Trụ trồng cây thanh long như thế nào là phù hợp

Để đạt hiệu suất tối ưu khi trồng thanh long, bà con có thể lựa chọn giữa trụ gỗ, trụ gạch, hoặc trụ xi măng cốt sắt. Trong số các lựa chọn này, trụ xi măng cốt sắt thường được ưa chuộng nhất khi xây dựng hệ thống hỗ trợ cho cây thanh long.

Trụ xi măng cốt sắt thường có kích thước cạnh vuông dao động từ 12 - 15 cm và chiều cao từ 1,6 - 2 m. Phần trên của trụ thường có 2 - 4 thanh sắt dài ra ngoài khoảng 20 - 25 cm, được uốn cong theo 4 hướng để tạo giá đỡ cho cành thanh long sau này. 

Chôn trụ vào độ sâu khoảng 40 - 50cm, đảm bảo chiều cao trên mặt đất của trụ nằm trong khoảng 1.3 - 1.4m. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí đầu tư, mà còn giảm thiểu các công đoạn trong chăm sóc và thu hoạch.

Trụ thanh long nên được dựng trước ít nhất một tháng, đảm bảo trụ đứng thẳng, không bị lệch hoặc có dấu hiệu bị nghiêng đổ. 

 Hinh-Dung-tru-truoc-mot-thang-dam-bao-tru-dung-thang-va-khong-bi-nghien-do-.jpg

Hình: Dựng trụ trước một tháng, đảm bảo trụ đứng thẳng và không bị nghiêng đổ 

5. Mật độ trồng cây thanh long thích hợp 

Thanh long là cây ưa sáng, cần nhiều ánh nắng. Khoảng cách giữa các cây có thể ảnh hưởng đến cả việc cạnh tranh về dinh dưỡng và quy trình chăm sóc cây trong tương lai. Mật độ giữa các cây được tính toán dựa vào kích thước của các loại máy móc dùng để chăm sóc cây thanh long, kích thước rễ và cả chiều cao của trụ cây.

Thông thường, bà con nên trồng ở mật độ thưa, từ 900 - 1.100 trụ/ha (cây cách cây 3,0 - 3,5 m; hàng cách hàng 3,0 - 3,5 m). Trong quá trình sắp xếp các hàng trồng thanh long, nên linh hoạt điều chỉnh khoảng cách để duy trì số hàng chẵn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và các công đoạn chăm sóc sau này.

Hinh-Dam-bao-mat-do-trong-thanh-long-thuan-tien-cho-viec-cham-soc-va-thu-hoach-1.jpg

Hình: Đảm bảo mật độ trồng thanh long thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch sau này

6. Cách trồng cây thanh long đúng tiêu chuẩn 

Khi hoàn tất các công đoạn, bà con đặt bốn hom quanh bốn phía của trụ để chúng đều đặn. Áp phần phẳng của mỗi hom vào mặt trụ.

Sử dụng dây nilon hoặc dây vải để buộc chặt các hom với trụ. Lưu ý không buộc quá chặt để tránh làm bề mặt của hom nứt gãy và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của chúng.

Cuối cùng, tưới thêm nước và có thể sử dụng rơm hoặc cọ để giữ ẩm quanh khu vực các trụ thanh long.

Hinh-Cot-canh-thanh-long-vao-tru-va-dung-rom-ra-de-giu-am-cho-cay-thanh-long.jpg

Hình: Cột cành thanh long vào trụ và dùng rơm, rạ để giữ ẩm cho cây thanh long

7. Lưu ý quan trọng bà con cần biết khi trồng cây thanh long 

  • Khi chọn giống xong, phần đáy hom (dài 3 - 5cm) được cắt bỏ phần thịt bên ngoài, để lại phần lõi, nhằm tránh thối hom giống. Sau đó bà con nên nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm như Benlate C, nồng độ 0,1% trong 5 phút.
  • Sau khi trồng, bà con nên thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện mầm bệnh nếu có.
  • Không để cây gặp tình trạng khô hạn hay ngập úng, đủ độ ẩm giúp cây phát triển tối ưu.
  • Nên dùng rơm rạ, lá chuối hoặc bao tải bao một lớp mỏng xung quanh trụ để giảm bớt hấp thụ nhiệt của trụ.
     Hinh-Got-day-hom-thanh-long-de-dam-bao-canh-khong-bi-thoi-va-mang-mam-benh-.jpg

Hình: Gọt đáy hom thanh long để đảm bảo cành không bị thối và mang mầm bệnh 

Qua bài viết trên, bà con đã phần nào nắm được kỹ thuật trồng thanh long đúng tiêu chuẩn. Lưu ý, tùy vào từng vùng, điều kiện khí hậu sẽ có cách cải tạo đất trước khi trồng khác nhau. Mọi thắc mắc của bà con về kỹ thuật trồng thanh long vui lòng liên hệ Nông Dược Xanh qua hotline 0966616664 để được đội ngũ kỹ sư tư vấn miễn phí!