Do thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, dư lượng thuốc, gây mất an toàn cho người sử dụng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và con người. Vì vậy, nhằm giảm thiểu tác động xấu của thuốc trừ sâu đến môi trường và cộng đồng, các chế phẩm sinh học đang trở thành xu thế trong sản xuất nông nghiệp. Dưới đây là gợi ý của Nông Dược XANH về top 6 nhóm thuốc trừ sâu sinh học phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.
1. Nhóm thuốc trừ sâu sinh học nguồn gốc thảo mộc
Các loại thảo mộc dưới đây là những thành phần tự nhiên có trong thực vật, chúng có khả năng loại bỏ sâu bệnh, phân hủy nhanh chóng trong môi trường, đồng thời ít gây hại cho con người và động vật.
a. Nhóm Cúc (Pyrethrum)
Bao gồm hỗn hợp các este phức tạp được chiết xuất từ cây cúc giống Chrysanthemum. Thuốc có thể tác động mạnh mẽ đến hệ thần kinh trung ương và ngoại vi của côn trùng. Mặc dù hiệu quả sử dụng tốt, nhưng giá thành của loại thuốc này thường khá cao. Một số loại thuốc thuộc nhóm cúc là Sumicidin, Decis 2.5 EC và Sherpa 25 EC.
b. Cây Neem (Azadirachtin)
Các chế phẩm từ cây neem Ấn Độ và cây xoan Trung Quốc được sử dụng rộng rãi trong bảo vệ thực vật. Chúng gây ngán ăn, xua đuổi, ngăn cản quá trình lột xác, sinh sản và phát triển của côn trùng gây hại.
Nhà nông cũng có thể dùng Azadirachtin để phòng trừ các loại vi khuẩn, sâu hại và nấm trên cây trồng mà không gây ra sự kháng thuốc, không tác động đến thiên địch và không để lại dư lượng trên cây.
c. Cây thuốc lá, thuốc lào (Nicotin)
Chứa chất kiềm như Nicotin và Nornicotin, thuốc có tác dụng trừ sâu thông qua tiếp xúc, tiêu hóa và xông hơi. Sản phẩm hiệu quả đối với nhiều loại sâu miệng nhai và chích hút như sâu ăn lá, nhện đỏ, rệp và đặc biệt là sâu vẽ bùa hại cây cam, chanh và bưởi.
Cây thuốc lá và thuốc lào trừ có thể trừ sâu vẽ bùa và miệng nhai
d. Cây khổ sâm (Matrine)
Loại thuốc này có tác dụng rộng lớn đối với nhiều loại sâu bệnh hại khác nhau thông qua tiếp xúc và vị độc. Chế phẩm phòng trừ tốt nhất với rệp, rầy, bọ trĩ, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, và nhện đỏ.
e. Cây dây mật (Rotenone)
Hoạt chất Rotenone được tách chiết từ hai loại cây trong họ đậu, có tác dụng tiếp xúc và làm tê liệt chức năng hô hấp của côn trùng. Thuốc này hiệu quả đối với sâu rầy trên lúa, ốc bươu vàng, cá dữ và cá tạp trong ruộng nuôi tôm.
2. Nhóm thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc vi sinh
Nhóm thuốc này có nguồn gốc vi sinh từ vi khuẩn, thuộc nhóm sinh học. Phổ biến nhất hiện nay là vi khuẩn BT (Bacillus Thuringiensis). Sản phẩm có khả năng diệt phổ rộng và hiệu quả đối với nhiều loại sâu như sâu cuốn lá, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang và sâu ăn tạp…Khi sâu tiếp xúc hoặc ăn phải thuốc, chúng sẽ ngừng ăn sau vài giờ và chết trong vòng 1 - 3 ngày.
Xạ khuẩn Streptomycin avermitilis và Saccharopolyspora spinosa sản xuất các loại kháng sinh như Avermectin, Abamectin, Emamectin, Methylamine Avermectin, Spinosad và Spinetoram. Hoạt chất này có khả năng diệt trừ côn trùng thông qua tiếp xúc và vị độc, có thể nội hấp. Ngoài ra, thuốc cũng trị được các bệnh như đốm vằn trên lúa, nấm hồng trên cao su, chết rạp cây con trên cà chua, khoai tây, thuốc lá và bông vải.
Các sản phẩm nguồn gốc vi sinh còn có thể kể tới Rhodopseudomonas palustri, Rhodovulum sulfidophilum, Bacillus subtilis,...
Bacillus Thuringiensis có khả năng diệt nhiều loại sâu trên phổ rộng
3. Nhóm thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ nấm
Nấm Trichoderma có tác dụng đề kháng đối với một số loại nấm bệnh gây hại trên bộ rễ cây trồng như bệnh vàng lá chết nhanh (bệnh thối rễ do nấm Phytophthora palmirova gây ra) và bệnh vàng héo rũ (bệnh héo chậm do các nấm bệnh như Furasium solari, Pythium sp, Sclerotium rolfosii gây ra).
Ngoài ra còn có hai loại thuốc từ Beauveria bassiana (nấm trắng) và Metarhium anisopliae (nấm xanh). Chúng sẽ xâm nhập trực tiếp vào biểu bì côn trùng, tiết ra enzyme để phá vỡ chitin và protein ở biểu bì. Sau đó vào cơ thể và sản sinh ra các chất chuyển hóa khiến sâu chết nhanh chóng.
Nấm trắng hay ký sinh trên cơ thể của sâu non thuộc bộ cánh vảy. Nó còn được dùng để kiểm soát sâu đục thân lúa và ngô, sâu xanh da láng trên cây cà chua, bọ xít, rầy nâu trên lúa, sâu róm trên cây thông, châu chấu, rầy lưng trắng, sâu đo đay, nhện vàng, nhện đỏ, và nhiều loại côn trùng khác.
Nấm xanh cũng có khả năng ký sinh trên nhiều loại côn trùng gây hại thuộc các bộ cánh vảy, cánh cứng, cánh phấn, v.v. Nó đã được sử dụng để kiểm soát rầy và bọ xít trên lúa cũng như trên các loại cây ăn quả và đạt hiệu quả rất cao.
4. Nhóm thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ tuyến trùng
Tuyến trùng EPN (Entomopathogenic nematodes) thuộc nhóm ký sinh và gây bệnh cho côn trùng. Nó được xem là giải pháp sinh học triển vọng với khả năng diệt sâu nhanh chóng với phổ diệt rộng. Thuốc từ tuyến trùng cũng an toàn cho con người, động vật và không gây ra hiện tượng kháng thuốc ở sâu hại.
Các nhà khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và phân lập nhóm tuyến trùng EPN thành hai giống Steinernema và Heterorhabditis. Chúng được đưa vào sản xuất thuốc sinh học tuyến trùng.
Vòng đời của tuyến trùng
5. Nhóm thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ virus
Có nhiều nhóm virus có khả năng gây bệnh cho côn trùng như nhóm Baculovirus, nhóm virus tế bào chất (CPV), nhóm Entomopoxvirus (EV), … Tuy nhiên, Ở Việt Nam, sản phẩm chiết xuất từ virus Nucleopolyhedrosisvirus (NPV) là phổ biến nhất. Virus này xâm nhập vào ruột côn trùng thông qua thức ăn, sau đó tác động vào hạch tế bào ruột giữa, phá hủy toàn bộ chức năng ruột. Thuốc trừ sâu từ NPV được sử dụng trừ sâu xanh da láng (Spodoptera exigua); sâu đo hại đay; sâu róm hại thông,…
Vòng đời của virus NPV
6. Nhóm thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc khác
Chitosan (oligo-sacarit) là chất hữu cơ cao phân tử được làm từ vỏ tôm, cua và một số loài rong biển. Không chỉ kích thích hoạt động của hệ thống kháng bệnh trong cây, nó còn có khả năng tiêu diệt trực tiếp vi sinh vật gây bệnh bằng cách hủy hoại màng tế bào của chúng.
Chitosan cũng phòng trừ được các bệnh cây do nấm, vi khuẩn, tuyến trùng và cả virus. Vì vậy, chất này có thể được coi như một loại vắc xin cho cây trồng.
Chitosan được coi là vắc xin cho cây trồng
Pheromone là một nhóm chế phẩm sinh học có tác dụng dẫn dụ giới tính, được sử dụng rộng rãi trong hệ thống bảo vệ thực vật. Chúng có đặc điểm chuyên tính cao với từng loại sâu hại, đảm bảo an toàn cho môi trường.
Nhóm chế phẩm sinh học này được sử dụng như một công cụ hiệu quả trong dự báo và phòng trừ dịch hại đối với cây trồng và sản phẩm trong kho nông sản. Trên thế giới đã tổng hợp được hơn 3.000 hợp chất sex - pheromone dẫn dụ nhiều loại côn trùng khác nhau.
Ở Việt Nam, pheromone được sử dụng tập trung đối với một số loại côn trùng:
- Côn trùng hại rau như sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang và sâu xanh da láng,…
- Côn trùng hại cây ăn trái như ruồi vàng đục trái (Bactrocera dorsalis) hoặc sâu đục vỏ trái cam, quýt (Prays citri Millaire).
Bài viết đã đưa ra gợi ý 6 nhóm thuốc trừ sâu sinh học nhằm phòng trừ dịch hại và bảo vệ cây trồng. Để mua các sản phẩm nguồn gốc sinh học chất lượng và chính hãng, bà con hãy liên hệ với Nông Dược XANH qua hotline 09.6661.6664 để được tư vấn chi tiết.