Nhà nông cần biết 6 loại bệnh trên cây thanh long phổ biến nhất

Biên tập bởi Lưu HoaĐăng 6 tháng trước4000

Thanh long, một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đang phải đối mặt với những thách thức đến từ các bệnh hại. Vấn đề này không chỉ đe dọa sự phát triển của cây mà có thể gây tổn thất nặng nề cho sản lượng và chất lượng trái thanh long. Việc nhận biết bệnh hại trên cây thanh long là yếu tố quyết định đối với năng suất của vụ mùa. Bài viết này của Nông Dược Xanh sẽ giúp bà con nông dân hiểu thêm về những bệnh thường gặp trên cây thanh long, từ đó giúp bà con sớm phát hiện bệnh để phòng tránh và đối phó sớm nhất với bệnh hại.

Hình: Một số bệnh hại phổ biến tấn công cây thanh thong

1. Bệnh đốm đen trên cây thanh long

a. Nguyên nhân gây ra bệnh đốm đen ở cây thanh long

Bệnh đốm đen trên cây thanh long xuất phát từ nấm Bipolaris sp. Bào tử của nấm thường tồn tại trên bông bị nhiễm bệnh hoặc trong tàn dư, xác bã thực vật trong vườn.

b. Triệu chứng của bệnh đốm đen

Ban đầu, vết bệnh xuất hiện tại rìa tai nụ hoa và từ đó lan dần vào bên trong cây. Vết ban đầu nhỏ với những chấm màu nâu đen, sau đó phát triển thành hình elip thuôn dài và có vết lõm ở giữa. 

Khi nấm bệnh tấn công ở vị trí đỉnh bông, bông sẽ không nở được, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đậu trái và giảm sản lượng. 

c. Điều kiện phát triển bệnh 

Bệnh đốm đen phát triển mạnh dưới điều kiện thời tiết ẩm ướt, độ ẩm không khí cao (từ 80-90%), nhiệt độ khoảng 20-30 độ C.

Bào tử nấm tồn tại trên cây bị nhiễm bệnh, trong tàn dư và xác bã thực vật trong vườn, lan truyền qua gió, nước mưa và các dụng cụ làm vườn khác.

d. Biện pháp phòng trừ bệnh đốm đen ở thanh long

  • Thường xuyên kiểm tra và thăm vườn để sớm phát hiện nguồn bệnh.

  • Vệ sinh vườn định kỳ.

  • Cắt bỏ và tiêu huỷ toàn bộ cành, nhánh, cây bị bệnh.

  • Rút râu sau khi hoa nở khoảng 3-4 ngày.

  • Bón phân cho cây, đặc biệt là các loại phân hữu cơ và Trichoderma.



Hình: Biểu hiện của bệnh đốm đen trên cây thanh long

2. Bệnh đốm nâu trên cây thanh long

a. Nguyên nhân gây bệnh đốm nâu ở cây thanh long

Bệnh đốm nâu trên cây thanh long được gây ra chủ yếu bởi nấm Neoscytalidium dimidiatum. 

b.Triệu chứng bệnh đốm nâu ở thanh long

Nấm Neoscytalidium dimidiatum khiến bào tử nảy mầm trên bề mặt trái, thân, cành thanh long và xâm nhập vào mô, gây hoại tử.

Bệnh bắt đầu bằng các vết lõm trắng (còn gọi là bệnh đốm trắng hoặc nấm tắc kè). Những vết này sau đó chuyển thành đốm tròn màu nâu. Khi bệnh nặng, các vết bệnh lan ra làm cành trở nên sần sùi và thối khô từng mảng.

c. Điều kiện phát triển bệnh đốm nâu

Bệnh đốm nâu thường phát triển mạnh khi thời tiết ẩm ướt, độ ẩm không khí cao, đặc biệt là trong mùa mưa, vườn thanh long rậm rạp là điều kiện thuận lợi để phát triển bệnh. 

d. Biện pháp phòng trừ bệnh đốm nâu ở thanh long

  • Chọn giống thanh long không nhiễm bệnh và có nguồn gốc rõ ràng.

  • Loại bỏ giống nhiễm bệnh, chỉ lấy giống từ vườn thanh long không nhiễm bệnh.

  • Đối với vườn thanh long có tuổi đời trên 4 năm, cắt tỉa bớt cành già để tạo sự thông thoáng, giảm độ ẩm và giảm khả năng lây bệnh.

  • Tăng cường bón các loại phân tăng sức đề kháng cho cây.

Hình: Biểu hiện của bệnh đốm nâu trên cây thanh long

3. Bệnh nám cành trên cây thanh long

a. Nguyên nhân gây bệnh nám cành ở cây thanh long

Bệnh nám cành thường do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Nấm này có khả năng xâm nhập vào các mô cành, gây tổn thương và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bệnh.

b. Triệu chứng bệnh nám cành ở cây thanh long

Cây thanh long xuất hiện lớp bột mỏng màu xám xanh phủ trên cành là biểu hiện của bệnh nám cành. 

Bệnh này không chỉ giảm khả năng quang hợp của cây mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ của thanh long. 

c. Điều kiện phát triển bệnh nám cành

Bệnh nám cành thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, đặc biệt là khi có mưa. 

Độ ẩm cao và nước mưa cung cấp môi trường lý tưởng cho sự phát triển của nấm, các khu vực cây thanh long nằm trong vùng ngập nước dễ bị nấm tấn công. 

d. Biện pháp phòng trừ bệnh nám cành ở cây thanh long

  • Đảm bảo cây thanh long được trồng ở nơi có thoáng mát, tránh tình trạng ngập úng.

  • Sử dụng các loại thuốc phun có chứa các chất chống nấm để bảo vệ cây khỏi sự xâm nhập của nấm Colletotrichum.

  • Cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên.

  • Loại bỏ những cành bị nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan.


Hình: Biểu hiện của bệnh nám cành trên cây thanh long

4. Bệnh thối rễ chết cành trên cây thanh long

a. Nguyên nhân gây bệnh thối rễ chết cành trên cây thanh long

Bệnh thối rễ chết cành thường do nấm Phytophthora nicotianae gây ra. 

b. Triệu chứng bệnh thối rễ chết cành ở thanh long

Thanh long nhiễm bệnh bắt đầu phát triển kém, có dấu hiệu héo cành và mất nước sau đó rũ xuống. Khi bệnh trở nặng hơn, toàn bộ cây chuyển sang tình trạng héo vàng, cành khô và có thể dẫn đến chết cây. 

Rễ cây nhiễm nấm sẽ bắt đầu thối từ rễ nhỏ, vỏ rễ chuyển sang màu nâu và có các sọc nâu lan dần vào rễ cái. Trong trường hợp trở nặng, bộ rễ chuyển sang màu đen và cây sẽ chết nhanh chóng. 

c. Điều kiện phát triển bệnh thối rễ chết cành

Bệnh thối rễ chết cành thường phát triển mạnh trong điều kiện đất ẩm ướt, nhiệt độ từ 20-30 độ C.

d. Biện pháp phòng trừ bệnh thối rễ chết cành ở thanh long

  • Đảm bảo hệ thống thoát nước tốt để tránh tình trạng đất ẩm ướt.

  • Tránh tưới nước lên cành, tập trung tưới gốc cây.

  • Sử dụng phân bón có chứa canxi để tăng đề kháng của rễ.

  • Khi phát hiện triệu chứng bệnh, cắt tỉa và loại bỏ các cành và rễ bị nhiễm bệnh.

  • Sử dụng các loại thuốc diệt nấm chuyên dụng theo hướng dẫn để kiểm soát sự lây lan của nấm.

Hình: Biểu hiện của bệnh thối rễ chết cành trên cây thanh long

5. Bệnh thối cành trên cây thanh long

a. Nguyên nhân gây bệnh thối cành ở cây thanh long

Bệnh thối cành thường do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Nấm thường xâm nhập qua các vết thương, rạn nứt trên cành, gây tổn thương và làm suy giảm năng suất của thanh long. 

b. Triệu chứng bệnh thối cành ở thanh long

Bệnh thối cành trên cây thanh long bắt đầu xuất hiện từ phía ngọn cây với các vết màu vàng, sau đó lan rộng và trở nên mọng nước. 

Bệnh trở nặng gây thối phần thịt trên cành, làm cho vùng bị nhiễm bệnh trở nên mềm và thối nhũn, cuối cùng chỉ còn lại xương cành. 

c. Điều kiện phát triển bệnh thối cành

Thông thường, bệnh thối cành thường phát triển mạnh mẽ vào mùa hè, nắng gay gắt và nhiệt độ từ 30-34 độ C thường tạo ra môi trường lý tưởng cho sự phát triển của nấm gây bệnh. 

d. Biện pháp phòng trừ bệnh thối cành trên cây thanh long

  • Đảm bảo cây được trồng trong môi trường thoáng khí và không quá ẩm ướt.

  • Tránh tưới nước lên cành của cây.

  • Kiểm tra và loại bỏ những cành thanh long bị nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan.

  • Sử dụng các loại phân bón cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe của cây.

Hình: Biểu hiện của bệnh thối cành trên cây thanh long

6. Bệnh thán thư trên cây thanh long

a. Nguyên nhân gây bệnh thán thư ở cây thanh long

Bệnh thán thư thường do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây hại. Nấm này có thể xâm nhập vào cây qua những vết thương trên cành, hoa, hoặc thậm chí là qua các tổn thương nhỏ trên trái thanh long.

b. Triệu chứng bệnh thán thư ở thanh long

Cây bị nhiễm nấm gây bệnh thán thư có những biểu hiện sau:

  • Trên hoa: Hoa thanh long xuất hiện những đốm đen nhỏ, dần dần lan rộng ra gây khô đen và rụng hoa.

  • Trên cành: Nấm thường tấn công từ mép cành, lan rộng vào trong. Vết bệnh có dạng tròn đồng tâm, màu nâu đậm, ở giữa có màu nâu đỏ và vòng sáng bao xung quanh. 

  • Trên trái: Vết bệnh tương tự trên cành nhưng có thiên hướng lõm xuống. 

c. Điều kiện phát triển bệnh thán thư

Nấm gây bệnh thán thư ở thanh long thường xuất hiện trong môi trường ẩm ướt và nhiệt độ cao, đặc biệt là trong điều kiện nhiệt độ khoảng 25-30 độ C. 

d. Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư trên cây thanh long

  • Tránh tưới nước lên cành thanh long để hạn chế điều kiện cho nấm phát triển.

  • Loại bỏ những lá cành và quả bị nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan.

  • Sử dụng phân bón cân đối để cung cấp đầy đủ dưỡng chất, giúp cây phòng trừ bệnh tự nhiên.

  • Áp dụng các biện pháp kiểm soát nếu bệnh đã xuất hiện, như sử dụng thuốc diệt nấm có hiệu quả và an toàn cho cây thanh long.

Hình: Biểu hiện của bệnh thán thư trên cây thanh long

Qua bài viết trên, bà con đã hiểu thêm về các loại bệnh trên cây thanh long, những biện pháp phòng trị trên giúp kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển sơ bộ của nấm gây bệnh. Việc thực hiện cụ thể các biện pháp phòng trị còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể từng vườn. Liên hệ với Nông Dược Xanh qua hotline 0966616664 để được các chuyên gia kỹ thuật tư vấn miễn phí!