TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÂN KALI ĐẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG QUẢ CÀ CHUA

Biên tập bởi Nông Dược XanhĐăng 3 năm trước2,3220

Cà chua (Lycopersicon esculentum L.) là một trong những loại rau quan trọng nhất và được trồng rộng rãi trên khắp thế giới. Dinh dưỡng Kali (K) giúp cải thiện đáng kể số lượng và chất lượng cà chua vì nguyên tố này có vai trò quan trọng của trong quang hợp, hô hấp, tổng hợp carbohydrate, cân bằng nội môi tế bào và truyền tín hiệu.

Trong thí nghiệm này khảo sát các công thức bón phân Kali gồm: 0 (đối chứng); 50; 100; 150; 200; 250; 300; 350 và 400 kg K2O/ha.

Phân bón Kali giúp tăng năng suất cà chua

Năng suất cà chua vượt trội (15,45 tấn/ha) tăng 67,75% so với đối chứng (0 kg/ha) khi được bón phân Kali với tỷ lệ 150 kg/ha. Điều này là do Kali đóng vai trò hoạt hóa của các enzym sinh lý, sinh hóa, cân bằng nội môi tế bào và truyền tín hiệu. Kali giúp tăng cường độ quang hợp, giúp cây trồng tích lũy chất dinh dưỡng trong quả.

Bón phân Kali cũng giúp tăng đường kính quả cà chua (cm). Đường kính quả lớn nhất (4,76 cm) khi cây được bón 150 kg/ha. Trong khi kích thước quả tối thiểu (3,71cm) ở cây không được bón Kali.

Kết quả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phân Kali cải thiện trọng lượng quả (kg/cây). Trọng lượng quả cao nhất trên mỗi cây thu được khi bón 150 kg/ha. Ngược lại, trọng lượng quả thấp nhất khi bón lượng Kali tối đa (400 kg/ha).

TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÂN KALI ĐẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG QUẢ CÀ CHUA

Phân bón Kali giúp tăng chất lượng cà chua

Tổng chất rắn hòa tan quyết định hương vị và các đặc tính chất lượng khác của cà chua. Tổng chất rắn hòa tan đạt giá trị cao nhất ở mức phân bón 150 kg/ha. Điều này là do dinh dưỡng Kali làm tăng hàm lượng đường trong quả cà chua. Tăng tích lũy đường nhiều hơn làm tăng lượng tổng chất rắn hòa tan trong quả cà chua. Nhưng nếu bón phân quá mức sẽ gây tác dụng tiêu cực, tổng chất rắn hòa tan thấp nhất khi bón 400 kg/ha.

Hàm lượng chất khô của quả đã tăng lên đáng kể khi tăng lượng Kali lên đến 150kg/ha và sau đó giảm xuống. Hàm lượng chất khô cao nhất (5,68%) khi bón 150 kg/ha và thấp nhất (4,53%) khi bón 400kg/ha.

Trái ngược với hàm lượng chất khô của quả, độ ẩm của quả đã tăng nhiều hơn trong khoảng 150 - 400 kg/ha. Độ ẩm quả tối đa (95,47%) khi cây được bón phân kali ở tỷ lệ 400 kg/ha. Tăng hàm lượng nước trong các mô dự trữ thịt sẽ làm giảm hàm lượng chất khô. Điều này là do Kali làm tăng hiệu quả sử dụng nước của cây trồng, duy trì lượng nước trong quả.

Kết luận

Bón phân Kali cải thiện đáng kể đến các chỉ số năng suất và chất lượng quả của cà chua. Bón Kali ở nồng độ 150 kg/ha đạt trọng lượng quả (1,39 kg/cây), năng suất quả (15,45 tấn/ha), tổng chất rắn hòa tan và hàm lượng chất khô quả (5,68%) cao nhất. Do đó, người nông dân nên sử dụng phân kali 150 kg/ha và bón cân đối NPK để nâng cao năng suất và chất lượng cà chua.