Chăm sóc thanh long sau thu hoạch - tiền đề đi đến mùa vụ bội thu

Biên tập bởi Phạm Thị LươngĐăng 8 tháng trước6250

Thanh Long là một trong những nông sản đặc trưng của Việt Nam và mang lại cho Nhà Nông một nguồn thu nhập ổn định. Mùa thanh long năng suất là điều mà bà con nào cũng mong đợi. Nhưng Nhà nông đã biết giai đoạn chăm sóc sau thu hoạch là "nền móng" vững chắc để cây phục hồi và tích lũy dinh dưỡng cho vụ mùa sắp tới. Vì vậy, năng suất thanh long bắt đầu từ thời vụ sau thu hoạch. Mời bà con theo chân Nông Dược  Xanh tìm hiểu bí quyết chăm sóc thanh long sau thu hoạch - tiền đề cho vụ mùa bội thu!

1. Vì sao cần phải chăm sóc thanh long sau thu hoạch

Sau khi thu hoạch, đây là giai đoạn cây thanh long bị suy yếu vì đã dốc toàn bộ sức để nuôi hoa và trái trong một thời gian dài khiến cho cây mất đi nhiều dinh dưỡng và bộ rễ dần yếu đi. Điều này “tiếp tay” cho những loài sâu bệnh dễ dàng xâm nhập và tàn phá cây trồng.

Cây thanh long khỏe mạnh, sung sức là điều kiện tiên quyết cho việc nuôi hoa và dưỡng trái. Do đó chăm sóc thanh long sau thu hoạch là giai đoạn cực kỳ quan trọng và bắt buộc phải có trong quá trình làm vườn của Nhà Nông để khởi đầu một mùa màng bội thu.

Hình 1: Tầm quan trọng của việc chăm sóc thanh long sau thu hoạch

2. Quy trình chăm sóc thanh long sau thu hoạch

Để chăm sóc thanh long sau thu hoạch có hiệu quả, bà con cần nắm rõ những kỹ thuật chăm sóc dưới đây. 

Bước 1: Giải độc cho đất 

Sau khi thu hoạch, bà con cần:

  • Làm sạch rác và cỏ trên và trong đất để làm sạch đất

  • Trộn đất với vôi nông nghiệp nhằm giảm sâu bệnh và các vi khuẩn có trong đất

  • Sử dụng các loại phân vi sinh, phân bón sinh học để đảm bảo việc bổ sung chất dinh dưỡng cho đất

  • Cuối cùng để đất nghỉ ngơi, dàn mỏng và phơi đất ở ngoài nắng từ 3-5 ngày. Việc này giúp đất thông thoáng, nhận được nhiều oxi và hấp thu đạm tốt hơn, đất trở nên tơi xốp hơn

Bước 2: Tỉa cành tăng độ thông thoáng

  • Loại bỏ toàn bộ những cành thanh long cũ, ốm yếu. Giữ lại những cành to khỏe để cây tập trung dinh dưỡng

  • Cắt bỏ khoảng ⅓ số cành giá phía trong thân, cành bệnh

  • Giữ lại trên mỗi trụ khoảng 80 đến 120 cành (tùy vào độ tuổi cây) phân bố đều các hướng

  • Mỗi cành mẹ chỉ để lại 1 cành con, các cành sát với gốc cần được buộc vào thân trụ để tránh gãy khi mưa gió

  • Giới hạn chiều dài của cành (cách mặt đất 30-35cm)

Hình 3: Tỉa cành trước khi chăm sóc thanh long sau thu hoạch

Bước 3: Xử lý nấm bệnh cho thanh long

  • Phun thuốc rửa vườn: Sử dụng thuốc gốc đồng để ngăn ngừa được các bệnh do nấm, địa y gây ra. Ngoài ra còn kích thích các quá trình sinh trưởng thời kỳ chuẩn bị trổ bông. Khi phun, phun kỹ trên đầu trụ, bên trong, bên ngoài tán và cả trên cây trụ

  • Bệnh thán thư thường xuất hiện sau khi thu hoạch thanh long do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Sử dụng Mancozeb + Metalaxyl (Ridomil gold, Ridozeb) xịt đều lên cây để sát khuẩn và diệt nấm hoặc các thuốc gốc đồng (Coc 85, Norshield)

Hình 3: Bệnh thán thư dễ xuất hiện khi chăm sóc thanh long sau thu hoạch

Bước 4: Bón phân 

  • Bón phân là quy trình quan trọng giúp cây nuôi nầm, ra hoa và đậu quả. Giúp tăng sản lượng cũng như lợi nhuận cho Nhà Nông

  • Bà con nên sử dụng phân gà ủ hoai mục để bón phân cho cây

  • Trung bình một cây thanh long bà con nên bón 20-30 kg phân gà ủ hoai mục. Tùy thuộc vào sự phát triển của cây và giai đoạn của phát triển mà có thể bón bổ sung thêm lượng phân bón NPK theo tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất

Lưu ý:  Bón phân cho cây thanh long cần bón đúng và đủ liều lượng cho cây.

Hình 4: Quy trình chăm sóc thanh long sau thu hoạch

3. Phòng trừ sâu bệnh trong quá trình chăm sóc thanh long sau thu hoạch

Sâu bệnh là tác nhân lớn ảnh hưởng đến mùa màng của bà con, đặc biệt sau khi thu hoạch, lúc này cây suy yếu là cơ hội để sâu bệnh hoành hành. Vì vậy việc quản lý sâu bệnh ở giai đoạn này là điều không thể bỏ qua.

  • Khi vườn thanh long đã tạo độ thông thoáng, bổ sung dinh dưỡng, lúc này sâu bệnh ít có cơ hội để xâm nhập giúp cho thanh long khỏe mạnh hơn

  • Vào mùa đông, sương muối xuất hiện làm ảnh hưởng đến các cành non mới mọc. Lúc này bà con nên phun nước tưới vào sáng sớm khi mặt trời mọc, rửa đi lớp sương muối bám dày trên bề mặt thân lá để hạn chế sự tổn thương của mô lá khi giọt sương lạnh bốc hơi dưới ánh sáng mặt trời buổi sáng.

  • Thời điểm này, sâu khoang cũng bắt đầu xuất hiện ở cành non. Bà con nên phòng sâu bệnh hại bằng cách rắc vôi bột

  • Sử dụng vôi bột để khử trùng vườn và rắc vôi lên trụ cây thanh long tránh trường hợp sâu bệnh xâm nhập

4. Những lưu ý khi chăm sóc thanh long sau thu hoạch 

Quy trình chăm sóc thanh long sau thu hoạch không phức tạp tuy nhiên bà con cần lưu ý một số điều như sau:

  • Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng trên cây thanh long

  • Phải đảm bảo đúng thời gian cách ly và an toàn lao động

  • Không sử dụng quá nhiều loại thuốc và phân bón lá trong một bình phun

  • Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết theo nguyên tắc IPM (quản lý dịch hại tổng hợp)

Kỹ thuật chăm sóc thanh long sau thu hoạch bao gồm giải độc đất, tỉa cành, xử lý sâu bệnh và bón phân. Bà con chăm cây theo quy trình trên đã tạo ra nền móng vững chắc cho mùa vụ sắp tới.  Nếu bà con còn thắc mắc xin vui lòng liên hệ hotline 0966616664 để được tư vấn miễn phí từ đội ngũ chuyên nghiệp của Nông Dược XANH.