Nhiều bà con lầm tưởng rằng thuốc trừ sâu kháng thuốc có thể tiêu diệt được hầu hết những côn trùng đã hình thành cơ chế kháng thuốc. Nhưng thực tế, côn trùng có khả năng sinh trưởng và thích nghi mạnh mẽ với hoạt chất mà chúng thường xuyên tiếp xúc trong một hoặc hai thế hệ. Cùng Nông Dược Xanh hiểu rõ hơn về vấn đề côn trùng kháng thuốc và cách hạn chế tính kháng thuốc của chúng qua bài viết sau.
1. Thuốc trừ sâu kháng thuốc là gì?
Sâu kháng thuốc có là côn trùng này không còn bị tiêu diệt hoặc bị giảm tác dụng của một hoặc nhiều loại thuốc trừ sâu mà chúng trước đây đã tiếp xúc.
Thuật ngữ “thuốc trừ sâu kháng thuốc” là một khái niệm thương mại, ám chỉ các sản phẩm thuốc trừ sâu này có khả năng phòng ngừa, đặc trị các loại côn trùng có tính kháng thuốc.
Hiện tượng côn trùng phát triển kháng thuốc thường xảy ra khi một loại thuốc trừ sâu được sử dụng quá mức và quá thường xuyên, dẫn đến sự chọn lọc tự nhiên cho các côn trùng có khả năng chống lại độc tố của thuốc. Vì vậy tính kháng thuốc của côn trùng phụ thuộc vào tập tính sử dụng thuốc của nông dân khu vực đó.
Hình: Khi sử dụng thuốc trừ sâu quá mức và quá thường xuyên, kể cả thuốc trừ sâu kháng thuốc dẫn đến trình trạng kháng thuốc ở côn trùng.
2. Côn trùng có cơ chế kháng thuốc trừ sâu như thế nào?
Cơ chế kháng thuốc của các loại côn trùng là kết quả của sự chọn lọc tự nhiên trong quá trình tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu. Côn trùng kháng thuốc trừ sâu theo những cơ chế sau:
1. Kháng theo cơ chế chuyển hóa: Côn trùng sẽ có khả năng chuyển hóa chất trừ sâu thành các dạng ít độc hại hoặc tiêu diệt chúng nhanh chóng từ cơ thể.
Ví dụ: Một số enzym trong cơ thể côn trùng có thể phá hủy các hoạt chất trừ sâu hoặc chuyển hóa chúng thành các dạng hoạt chất không độc hại đối với cơ thể côn trùng.
2. Kháng theo cơ chế thay đổi vị trí đích: Cơ thể côn trùng có thể thay đổi vị trí đích tác động của thuốc trừ sâu trong cơ thể để giảm tác động của thuốc trừ sâu đối với chúng.
Ví dụ: Sự biến đổi trị trí đích tác động, chẳng hạn như thay đổi cấu trúc protein mà thuốc trừ sâu tác động.
3. Kháng theo cơ chế hành vi: Theo cơ chế này, côn trùng sẽ thay đổi hành vi tự nhiên để tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
Ví dụ: Một số loài côn trùng có thể tránh việc tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu bằng cách di chuyển vào những khu vực ít bị phun hoặc ăn từ mặt dưới của lá, nơi ít tiếp xúc với thuốc trừ sâu nhất.
4. Kháng theo cơ chế xâm nhập: Khi côn trùng đã hình thành cơ chế kháng thuốc, chúng có thể hấp thụ các chất độc hại từ thuốc trừ sâu chậm hơn so với những côn trùng chưa kháng thuốc.
Ví dụ: Lớp vỏ bên ngoài của côn trùng sẽ phát triển thành rào cản để làm chậm quá trình hấp thụ các hoạt chất bảo vệ thực vật vào cơ thể chúng.
Những cơ chế này có thể hoạt động cùng nhau, tạo ra sự đa dạng trong cách côn trùng chống lại thuốc trừ sâu.
Hình: Côn trùng hình thành cơ chế kháng xâm nhập để chống lại sự tiêu diệt của thuốc trừ sâu, lớp vỏ bên ngoài dày hơn, khó thấm thuốc hơn
3. Nguyên nhân gây ra sự kháng thuốc ở côn trùng
Sự kháng thuốc ở côn trùng là một hiện tượng tự nhiên và dần dần xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra sự kháng thuốc ở côn trùng:
- Áp dụng liều lượng quá thấp: Việc sử dụng liều lượng thuốc trừ sâu không đủ để diệt toàn bộ quần thể côn trùng tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của những cá thể có khả năng chống lại tác động của thuốc.
- Sử dụng liều lượng quá cao: Sử dụng liều lượng lớn thuốc trừ sâu có thể ngược tác dụng, tạo áp lực cho quần thể côn trùng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự sống sót của những cá thể có khả năng kháng thuốc và truyền gen kháng thuốc cho thế hệ kế tiếp.
- Không luân phiên các loại thuốc trừ sâu: Việc bà con sử dụng liên tục cùng một loại thuốc trừ sâu trong thời gian dài ở một khu vực, phụ thuộc quá mức vào một loại thuốc trừ sâu cũng tạo điều kiện cho sự phát triển khả năng kháng thuốc..
- Lựa chọn và phát triển gen kháng thuốc: Sự chọn lọc tự nhiên giúp côn trùng có gen kháng thuốc trở nên mạnh mẽ hơn trong quần thể. Gen này sẽ được truyền qua các thế hệ, tăng khả năng sống sót của côn trùng khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
- Khả năng sinh sôi và tái tạo nhanh chóng: Làm tăng khả năng chúng tiếp xúc với hoạt chất hóa học. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của gen kháng thuốc trong quần thể côn trùng.
Hình: Côn trùng đã kháng thuốc trừ sâu có khả năng sinh sôi và tái tạo quần thể nhanh chóng
Những nguyên nhân này đã làm tăng khả năng sống sót của côn trùng trong môi trường và khu vực sử dụng liên tục thuốc trừ sâu. Dẫn đến hình thành tính kháng thuốc, gây khó khăn trong quá trình tiêu diệt côn trùng, sâu bệnh bảo vệ mùa màng của bà con.
4. Vòng lặp phối thuốc - nguyên tắc chính đặc trị sâu kháng thuốc
Tính kháng thuốc của côn trùng không giống nhau ở toàn bộ quần thể côn trùng đó mà phụ thuộc vào hành vi sử dụng thuốc đối với côn trùng ở khu vực cụ thể.
Ví dụ: Nếu Nông dân thường sử dụng hoạt chất thiamethoxam (nhóm tác động lên thần kinh và cơ) để tiêu diệt bọ trĩ. Sau một thời gian dài, khu vực đó sẽ hình thành bọ trĩ kháng thuốc thiamethoxam. Lúc này, bà con cần tìm loại thuốc có cơ chế khác như hoạt chất Pyridaben (nhóm tác động lên hô hấp)
Tình trạng kháng thuốc ở côn trùng diễn ra nhanh chóng đã đặt ra nhiều thách thức đối với nông dân và các nhà nghiên cứu. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nên áp dụng việc luân phiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu để đối phó với tình trạng này.
Thuốc trừ sâu thường được phân loại vào các nhóm với cơ chế hoạt động khác nhau, bao gồm:
1. Nhóm hoạt chất tác động lên hệ thần kinh và hệ cơ của côn trùng: có tác dụng nhanh chóng.
2. Nhóm tác động lên quá trình tăng trưởng và phát triển của côn trùng, chẳng hạn như thuốc ức chế lột xác: có tác dụng chậm hoặc vừa phải khi sử dụng.
3. Nhóm hoạt chất tác động lên hệ hô hấp của côn trùng: có tác dụng nhanh vừa phải khi tiếp xúc với chúng.
4. Nhóm hoạt chất tác động vào ruột giữa, gây cản trở hoặc tác động lên hệ tiêu hóa của côn trùng. Những thuốc có vạch màu cam thường tác động chậm hơn so với các loại khác.
Hình: Cơ chế hoạt động của các nhóm thuốc tác động chủ yếu lên một số vùng trên cơ thể côn trùng
Để hạn chế rủi ro kháng thuốc, bà con có thể thực hiện việc luân phiên giữa các nhóm thuốc có cơ chế tác động khác nhau trên côn trùng.
Ví dụ: Bà con nên luân chuyển sử dụng thuốc trừ sâu trong và giữa các thế hệ:
- Lần xuất hiện côn trùng đầu tiên, bà con sử dụng thuốc trừ sâu tác động đến hệ thần kinh và kệ cơ của côn trùng.
- Lần thứ hai sử dụng thuốc tại khu vực đó, bà con nên sử dụng thuốc có cơ chế tác động lên quá trình tăng trưởng và phát triển.
- Lần tiếp theo, bà con tiếp tục thay đổi và sử dụng thuốc khác thuộc nhóm tác động lên thống hô hấp của côn trùng.
- Khi xuất hiện lại côn trùng, bà con phải đổi thuốc với cơ chế tác động vào hệ tiêu hóa để tiêu diệt chúng, tránh tình trạng hình thành tính kháng thuốc.
Hình: Sử dụng vòng lặp phối thuốc trừ sâu có cơ chế tác động khác nhau lên côn trùng trong cùng một vùng
Tóm lại, trong một khu vực bà con cần sử dụng luân phiên các loại thuốc có cơ chế tác động hoàn toàn khác nhau để phòng trừ và tiêu diệt côn trùng, sâu bệnh bảo vệ mùa màng, hạn chế được khả năng biến đổi gen hình thành tính kháng thuốc ở côn trùng.
5. Một số giải pháp khác để giảm khả năng kháng thuốc của côn trùng
Ngoài việc sử dụng vòng lặp thuốc để luân phiên thay thế các hoạt chất sử dụng, bà con có thể áp dụng những giải pháp sau để hạn chế côn trùng tạo ra tính kháng thuốc:
1. Sử dụng các biện pháp canh tác hợp lý
- Lựa chọn thời điểm canh tác phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng và tăng khả năng kháng tự nhiên đối với dịch hại.
- Thực hiện các biện pháp như làm đất kỹ, điều tiết nước và luân canh, xen canh một cách hợp lý để giảm tác động của côn trùng.
2. Ưu tiên sử dụng biện pháp sinh học
- Khi xuất hiện sâu bệnh, ưu tiên sử dụng các biện pháp trừ sâu sinh học như làm bẫy, bắt sâu, và diệt trứng bằng tay hoặc vây lưới.
- Tận dụng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát côn trùng, chẳng hạn như sử dụng ký sinh trùng và côn trùng quốc hữu.
3. Tuân theo Nguyên Tắc "4 Đúng" khi sử dụng thuốc:
- Đúng thuốc: Sử dụng đúng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với từng loại dịch hại.
- Đúng nồng độ và liều lượng: Không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, nên đọc kỹ và tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.
- Đúng lúc: Chỉ sử dụng dụng thuốc khi côn trùng bùng phát đến một mật độ nhất định và không còn khả năng kiểm soát, có khả năng gây hại lớn cho mùa màng.
- Đúng cách: Dựa vào đặc điểm của từng loại thuốc và từng loại sâu bệnh để sử dụng đúng thuốc để tiêu diệt chúng.
Hình: Tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc trừ sâu để giảm khả năng kháng thuốc của côn trùng
Thuốc trừ sâu kháng thuốc là khái niệm thương mại và không có hiệu quả đối với tất cả côn trùng kháng thuốc.. Để giải quyết vấn đề này, bà con phải nắm rõ côn trùng đã kháng thuốc thuộc nhóm có cơ chế hoạt động nào. Sau đó, sử dụng luân phiên các loại thuốc với cơ chế khác nhau nhằm tiêu diệt và hạn chế tối đa khả năng côn trùng tiếp tục hình thành tính kháng thuốc. Mọi thắc mắc của bà con xin vui lòng liên hệ trực tiếp Nông Dược Xanh qua hotline 0966616664 để đội ngũ kỹ thuật tư vấn miễn phí!