Hướng dẫn A - Z cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn nhất

Biên tập bởi CTVĐăng 2 tháng trước970

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt là giải pháp tối ưu để đảm bảo năng suất của cây trồng. Trong bài viết này, Nông Dược XANH sẽ hướng dẫn Nhà nông thực hiện các biện pháp sử dụng thuốc chính xác để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quản lý dịch hại trong nông nghiệp. 

1. Những lưu ý khi mua thuốc bảo vệ thực vật

Trước khi mua thuốc bảo vệ thực vật, Bà con cần lưu ý ba điều sau:

a. Lựa chọn kỹ lưỡng và mua đúng loại sản phẩm

Nhà nông cần lựa chọn loại thuốc phù hợp để phòng trừ đúng đối tượng dịch hại. Sản phẩm cần có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam của các đại lý được cấp phép.

Để đảm bảo sử dụng chính xác và an toàn, thuốc bảo vệ thực vật mua phải ở dạng thành phẩm và có dán nhãn ghi rõ các thông tin cần thiết. Ví dụ như tên thương mại của thuốc, tên hoạt chất, đối tượng phòng trừ, liều lượng sử dụng, ngày sản xuất và hạn sử dụng.

 

 

Lựa chọn kỹ lưỡng và mua đúng thuốc bảo vệ thực vật

b. Vận chuyển thuốc an toàn

Khi vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật, Bà con cần thực hiện cẩn thận để tránh đổ vỡ hoặc rò rỉ thuốc ra môi trường. Đồng thời, không nên vận chuyển thuốc cùng với các loại hàng hóa khác để đảm bảo an toàn và chất lượng của sản phẩm.

c. Bảo quản thuốc cẩn thận

Nhà nông cần đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn để bảo quản sản phẩm đúng cách. Thuốc cần được giữ trong các bao bì nguyên bản và để ở nơi khô ráo, tránh xa lửa và ánh sáng trực tiếp của mặt trời. 

Trong trường hợp bao bì hư hỏng mà chất lượng thuốc còn tốt, Bà con có thể chuyển sang dùng chai lọ để đựng thuốc cùng loại vẫn còn nguyên nhãn. Đặc biệt, thuốc cần để ở nơi riêng biệt và đảm bảo an toàn, đồng thời, kho thuốc cần được khóa cẩn thận, đặc biệt là đối với các trang trại có kho thuốc riêng. 

Ngoài ra, thuốc trừ cỏ cần được bảo quản riêng biệt với các loại thuốc bảo vệ thực vật khác và tránh xa tầm tay của trẻ em cũng như những người không có nhiệm vụ sử dụng thuốc.

bao-thuoc-o-noi-rieng-biet.jpg

Vận chuyển và bảo quản thuốc cẩn thận ở nơi riêng biệt

2. Hướng dẫn về an toàn trước khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Bà con cần lưu về các biện pháp bảo hộ và pha hỗn hợp thuốc.

a. Bảo hộ lao động

Trong quá trình sử dụng hoặc tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, việc đeo đồ bảo hộ lao động là cực kỳ quan trọng. Điều này đảm bảo sự an toàn cho người làm việc và giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các chất độc hại. 

Các loại bảo hộ lao động thường được sử dụng bao gồm quần áo bảo hộ lao động, áo choàng, kính bảo hộ, mũ bảo hộ, găng tay, ủng, khẩu trang và mặt nạ. Đảm bảo chọn lựa và sử dụng đúng loại bảo hộ phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo an toàn tối đa.

su-dung-bao-ho-lao-dong-phu-hop.jpg

Chọn lựa và sử dụng đúng loại bảo hộ phù hợp

b. Cách pha hỗn hợp thuốc

Khi pha thuốc bảo vệ thực vật, việc tuân thủ các bước và quy trình đúng cách là cực kỳ quan trọng để đảm bảo hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh và an toàn cho người sử dụng. Bà con nên pha thuốc theo các bước như sau:

  • Bước 1: Sử dụng nước sạch và trong để pha thuốc, tránh sử dụng nước vẩn đục.
  • Bước 2: Cân và đo lường lượng thuốc cần pha cho một bình theo hướng dẫn.
  • Bước 3: Đổ thuốc vào một xô có sẵn khoảng 1-2 lít nước, khuấy đều cho thuốc tan hoàn toàn.
  • Bước 4: Tiếp tục đổ nước vào xô (nửa bình), khuấy kỹ rồi đổ vào bình bơm qua phễu lọc trên miệng bình để tránh tắc bình.
  • Bước 5: Đổ tiếp nước vào bình cho đầy.

Lưu ý:

  • Trang bị đồ bảo hộ lao động phù hợp khi lấy và pha thuốc. Không sử dụng tay để khuấy thuốc.
  • Chỉ đổ thuốc và nước vào bình phun khi bình được đặt trên một nền phẳng, chắc chắn.
  • Tránh đổ dung dịch thuốc vào bình phun quá đầy để tránh rò rỉ hoặc tràn ra ngoài trong quá trình phun thuốc.
  • Dung dịch thuốc đã pha sẵn cần được sử dụng ngay trong ngày.
  • Bao bì đựng thuốc cần được làm sạch và vứt đúng nơi quy định.

Ngoài ra, khi pha hai hay nhiều loại thuốc, Nông dân phải tuân thủ các quy định và lưu ý như không pha hỗn hợp quá hai loại thuốc. Ngoài ra, Bà con cần sử dụng thuốc ngay sau khi pha, và tuân thủ hướng dẫn của nhãn thuốc hoặc cán bộ kỹ thuật.

pha-hon-hop-thuoc-chinh-xac.jpg

Pha hỗn hợp thuốc chính xác theo hướng dẫn

3. Thực hiện nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật        

Để thuốc bảo vệ thực vật phát huy tối đa hiệu quả, Bà con cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách.

a. Đúng thuốc

Nhà nông cần lựa chọn kỹ lưỡng thuốc phòng trừ dịch hại. Trong đó bao gồm xem xét các yếu tố như loại dịch hại/cây trồng và giai đoạn sinh trưởng của chúng. Từ đó để bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, an toàn thực phẩm và đảm bảo hiệu quả kinh tế. 

Mỗi loại thuốc thường chỉ phòng trừ được một số loài dịch hại cụ thể, và chúng chỉ thích hợp trong các điều kiện thời tiết, đất đai, canh tác, và cây trồng riêng. Do đó, Bà con cần xác định chính xác loại dịch đang gây hại để chọn mua loại thuốc phù hợp nhất.

Nếu cần, Nhà nông có thể tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia kỹ thuật để chọn lựa loại thuốc đúng, nhằm đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao nhất. Với nguyên tắc cơ bản sâu bệnh nào - thuốc nấy, việc lựa chọn thuốc phải dựa trên một số tiêu chí như:

  • Ít độc tính đối với người sử dụng thuốc.
  • Ít để lại dư lượng trên sản phẩm nông sản và ít gây hại cho người tiêu dùng.
  • An toàn với cây trồng và sinh vật có ích.
  • Khả năng phân hủy nhanh chóng khỏi đất và nước sau khi sử dụng.
  • Phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu cụ thể của từng địa phương.

b. Đúng liều lượng-nồng độ

Nguyên tắc này nhấn mạnh việc sử dụng thuốc với nồng độ và liều lượng phù hợp nhất để đạt được hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế tối ưu. Điều này cũng giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của thuốc đối với môi trường, con người và sản phẩm.

Do đó, Nhà nông cần lưu ý những điều sau:

  • Đọc kỹ hướng dẫn về liều lượng trên nhãn thuốc để tính toán chính xác lượng thuốc cần sử dụng và lượng nước để pha thuốc dựa trên liều lượng khuyến cáo, diện tích và loại cây trồng cần xử lý.
  • Sử dụng thuốc với nồng độ thấp có thể không đạt được hiệu quả phòng trừ mong muốn và gây ra lãng phí thuốc, trong khi sử dụng nồng độ cao có thể gây ra tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người.
  • Kết hợp dụng cụ, cân đong thuốc để đảm bảo lượng thuốc sử dụng chính xác, tránh tình trạng ước lượng ẩu gây lãng phí.
    Phun hết lượng thuốc đã tính toán trên diện tích cần phun để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc phòng trừ dịch hại.
     

nguyen-tac-4-dung-khi-dung-thuoc-bvtv.jpg

Thực hiện các nguyên tắc quan trọng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

c. Đúng lúc

Sử dụng đúng lúc thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo việc phòng trừ dịch hại mang lại hiệu quả cao nhất và ít gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Một số trường hợp khi dịch hại đã xuất hiện, việc phun thuốc không cần thiết như: 

  • Mật độ dịch hại còn thấp.
  • Có sự can thiệp tự nhiên từ thiên địch.
  • Thời tiết không thuận lợi cho sự phát triển của dịch hại.

Lưu ý:

  • Việc phun nên được thực hiện khi dịch hại đang ở giai đoạn tuổi nhỏ, bệnh mới xuất hiện, cỏ dại còn non và mẫn cảm với thuốc.
  • Tránh phun thuốc vào thời điểm cây đang ra hoa, trong thời tiết quá nóng, hoặc gần ngày thu hoạch khi không đảm bảo thời gian cách ly.
  • Trong các khu vực có nuôi ong mật, cần phun thuốc vào lúc ong đã về tổ để tránh gây ảnh hưởng đến chúng.

d. Đúng cách (đúng kỹ thuật)

Đây là việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật nhằm đạt được hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế tối ưu, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Để đảm bảo nguyên tắc này, Bà con cần:

  • Sử dụng loại thuốc phù hợp với dạng của thuốc để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
  • Phun thuốc đúng vào nơi mà dịch hại cư trú để tăng cơ hội tiếp xúc của chúng với thuốc.
  • Thực hiện kỹ thuật phun rải đúng cách bao gồm phun vào thời điểm phù hợp, không phun khi có gió mạnh, trời sắp mưa hoặc nắng gắt, điều chỉnh tốc độ và lượng nước thuốc sử dụng sao cho phù hợp. Đảm bảo phun đều và không để sót.
  • Luân phiên sử dụng các loại thuốc có cơ chế tác động khác nhau để giảm thiểu tác động tiêu cực lên sinh vật và môi trường, cũng như giảm nguy cơ phát triển kháng thuốc của dịch hại.
  • Khi pha hỗn hợp thuốc, cần tuân thủ hướng dẫn trên nhãn hoặc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia. Hỗn hợp thuốc phải sử dụng ngay trong ngày để đảm bảo hiệu quả.
  • Đảm bảo thời gian cách ly của thuốc để tránh rủi ro cho con người và môi trường.

4. Những lưu ý sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Nhà nông cần lưu ý 4 điều sau:

a. Vệ sinh cẩn thận

Sau khi sử dụng thuốc, Bà con cần tuân thủ các bước vệ sinh:

Bước 1: Dọn sạch bao bì, chai thuốc và tiêu hủy chúng theo quy định. Không vứt bừa bãi hoặc tự ý đốt các bao bì chứa thuốc đã qua sử dụng.

Bước 2: Rửa thiết bị phun rải sạch sẽ và đúng cách. Quy trình bao gồm: 

  • Hoà xà phòng vào nước, đổ nước xà phòng vào bình, đóng nắp và lắc bình, sau đó đổ nước xà phòng ra xô và lặp lại vài lần. 
    Rửa sạch từng bộ phận với bàn chải mềm, thông vòi phun bằng nước xà phòng và nước sạch. 
    Rửa bên ngoài bằng nước xà phòng và nước sạch thêm lần nữa, úp ráo nước và cất vào kho. 
    Không để bình bơm bừa bãi khi làm việc hay bảo quản. Không đổ thuốc đã pha và nước súc rửa không sử dụng hết xuống nguồn nước.

Bước 3: Tắm, giặt quần áo bảo hộ và công cụ bảo hộ lao động bằng xà phòng, thay quần áo mới và sạch. Không để chung quần áo bảo hộ với quần áo thường ngày, cũng như không để quần áo, công cụ phòng hộ trong kho thuốc.

b. Bảo đảm thời gian cách ly riêng cho mỗi loại thuốc bảo vệ  thực vật trên từng loại cây trồng

Sau khi sử dụng một loại thuốc, dư lượng của nó trên cây thường giảm dần theo thời gian do tác động của môi trường như ánh nắng, mưa và hoạt động phân huỷ thuốc. Do đó, càng lâu sau khi phun rải thuốc, dư lượng của nó trên cây cũng giảm đi.

Nếu dư lượng của một loại thuốc trên nông sản dưới mức tối đa cho phép, chúng được coi là an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu dư lượng vượt quá mức này, các nông sản đó không thể sử dụng làm thực phẩm cho con người.

Thời gian cách ly là khoảng thời gian từ lần cuối cùng phun thuốc đến lúc thu hoạch nông sản, có thể thay đổi tùy theo nhiều yếu tố như loại thuốc, đặc tính của cây trồng và điều kiện thời tiết. Thời gian cách ly có thể từ vài ngày đến vài tuần, tuỳ thuộc vào các điều kiện cụ thể trong quá trình sử dụng thuốc.

luu-y-an-toan-khi-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat.jpg

Tổng hợp những lưu ý an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

c. Sử dụng thuốc luân phiên kết hợp cùng các biện pháp khác 

Bà con cần thay đổi loại thuốc giữa các lần phun khi phòng trừ cùng một đối tượng như sâu, bệnh, hoặc cỏ dại. Mục đích chính là ngăn ngừa sự hình thành tính chống thuốc của dịch hại và duy trì hiệu quả lâu dài của thuốc.

Ví dụ: Thay đổi giữa thuốc trừ sâu gốc Pyrethroid với thuốc gốc Lân hữu cơ hoặc Carbamate. Hoặc giữa thuốc hóa học tổng hợp với thuốc vi sinh hoặc thảo mộc. Hay giữa thuốc tác động thần kinh với thuốc chống lột xác.

Ngoài ra, việc kết hợp sử dụng thuốc với các biện pháp khác trong hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp cũng rất quan trọng. Sự kết hợp này giúp tăng cường hiệu quả phòng trừ dịch hại và giảm thiểu sự phát triển của chúng, bao gồm:

  • Gieo trồng các giống cây có thể kháng sâu bệnh.
  • Đảm bảo yêu cầu về phân bón, chế độ nước phù hợp, tận dụng các biện pháp thủ công như bắt, giết và chú ý bảo vệ thiên địch. 

d. Bảo đảm an toàn khi lưu trữ thuốc bảo vệ thực vật chưa sử dụng hết tại nhà kho

Thuốc bảo vệ thực vật chưa sử dụng hoặc dùng chưa hết cần được cất giữ trong các phòng riêng biệt, có khoá cửa chắc chắn, xa nơi sinh sống và chuồng trại gia súc để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Dụng cụ đong thuốc, bình bơm thuốc, và quần áo bảo hộ lao động cần được giặt sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng và sau đó cất giữ trong kho riêng, không sử dụng các đồ dùng sinh hoạt như xô, chậu rửa rau vo gạo, muỗng, thìa, bát ăn cơm để đong, pha thuốc.

Không chuyển thuốc dư thừa hoặc chưa dùng hết sang các đồ đựng khác như vỏ chai nước khoáng, vỏ chai bia, hoặc chai nước mắm để tránh gây nhầm lẫn và nguy cơ sử dụng nhầm. Sau khi sử dụng hết, bao bì của thuốc cũng cần được đốt tiêu huỷ và chôn để đảm bảo an toàn cho môi trường và người dân.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, việc nắm vững các hướng dẫn và nguyên tắc khi thực hiện là vô cùng quan trọng. Nếu Bà con đang cần tìm hiểu về các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hãy liên hệ Nông Dược XANH qua hotline 09.6661.6664 để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng chi tiết.