Chế phẩm trừ sâu sinh học là gì? Hoạt chất, đặc điểm và tác dụng

Biên tập bởi CTVĐăng 4 tháng trước5170

Chế phẩm trừ sâu sinh học trở thành một trong những lựa chọn tối ưu hiện nay. Việc tìm kiếm các giải pháp bền vững và an toàn cho môi trường ngày càng trở nên cấp thiết. Nông dược XANH sẽ giải thích kĩ hơn cho bà con trong bài viết sau.

 

1. Chế phẩm trừ sâu sinh học là gì?

Chế phẩm trừ sâu sinh học (còn có tên khác là thuốc trừ sâu hữu cơ) được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên hoặc các vi sinh vật có lợi. Nông dân sử dụng thuốc sinh học để kiểm soát, tiêu diệt hoặc xua đuổi các loài côn trùng và sâu bệnh gây hại cho cây. 

Khác với thuốc trừ sâu hóa học, thuốc sinh học ít khi gây hại cho môi trường cũng như sức khỏe con người. Một số loại thuốc trừ sâu nổi bật có nguồn gốc từ tuyến trùng, virus vi nấm, vi khuẩn, chứa kháng sinh từ xạ khuẩn,...

Nhìn chung, có hai nhóm thuốc chính: thuốc trừ sâu vi sinh và thuốc trừ sâu thảo mộc. 

thuoc-tru-sau-sinh-hoc-bt.jpg

Chế phẩm trừ sâu sinh học Bt được bán trên thị trường

2. Thuốc sinh học trừ sâu có độc không?

Câu trả lời là không. Đây là giải pháp sạch, thân thiện với môi trường và an toàn cho cả người và vật nuôi. Các thành phần tự nhiên trong thuốc sinh học rất ít khi gây ra tác dụng phụ. 

Hơn nữa, thuốc sinh học không tiêu diệt các côn trùng có ích (như ong thụ phấn hay các loài thiên địch của sâu bệnh), từ đó duy trì cân bằng sinh thái và hỗ trợ quá trình sản xuất nông nghiệp.

3. Cơ chế của chế phẩm trừ sâu sinh học

a. Phương thức tác động

Phương thức tác động của chế phẩm trừ sâu sinh học rất đa dạng. Một số ví dụ:

  • Qua đường vị độc (ăn phải): Ví dụ, khi sâu bệnh ăn phải vi khuẩn Bt, vi khuẩn này sẽ giải phóng các độc tố hủy hoại tế bào ruột của sâu bệnh.
  • Qua tiếp xúc: Nấm bám vào cơ thể sâu bệnh, nảy mầm và xuyên qua lớp vỏ ngoài để xâm nhập vào bên trong. Sau đó tiêu thụ chất dinh dưỡng từ cơ thể sâu bệnh, làm nó chết từ từ.
  • Xua đuổi: Một số thảo mộc phát tán mùi khó chịu để đuổi sâu bệnh khỏi cây trồng. Chúng không tiêu diệt sâu hoàn toàn nhưng góp phần giảm thiểu thiệt hại.
  • Nội hấp: Một số chất kháng sinh trừ bệnh có khả năng xâm nhập vào hệ thống mạch của cây và giúp cây tự bảo vệ khỏi bệnh tật từ bên trong.

co-che-tac-dung-thuoc-tru-sau-sinh-hoc.jpg

Tác dụng của chế phẩm trừ sâu sinh học 

b. Cơ chế tác động

Chế phẩm trừ sâu sinh học thường nhắm vào các hệ thống sinh lý chính của sâu bệnh, cụ thể:

  • Hệ thần kinh: Gây tê liệt hệ thần kinh trung ương, làm sâu bệnh liệt toàn thân và chết.
  • Hệ hô hấp: Thuốc bao phủ bề mặt cơ thể sâu bệnh, bịt kín các lỗ thở, ngăn chặn oxy và làm sâu bệnh chết ngạt.
  • Hệ tiêu hóa: Sau khi được sâu tiêu hóa, vi khuẩn sinh sôi và sản xuất độc tố phá hủy ruột của sâu bệnh. Sâu ngừng ăn và chết.
  • Hệ miễn dịch: Nhiều chất kháng sinh và kích thích (như Streptomycin) tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh và tăng cường hệ miễn dịch cho cây.
  • Chất dinh dưỡng: Các loại nấm xâm nhập vào cơ thể sâu bệnh, tiêu thụ hết chất dinh dưỡng bên trong. Ngoài ra, một số thuốc làm mất chất nhờn ở miệng ốc bươu vàng, làm miệng chúng cứng lại và không thể ăn được, dẫn đến chết.

c. Hiệu lực

Hiệu lực ngắn hay dài tùy vào từng loại thuốc và cách hoạt động. Một số ví dụ: 

  • Hệ thần kinh và hô hấp: Sâu bệnh chết nhanh chóng, thường sau vài giờ đến vài ngày nhiễm thuốc.
  • Hệ tiêu hóa, ký sinh: Sâu yếu dần sau vài giờ và chết sau vài ngày. 
  • Hệ miễn dịch: Bà con thường phải đợi khá lâu. Các loại thuốc kích thích hệ miễn dịch cần được sử dụng liên tục để nhanh chóng có kết quả.

Nhìn chung, các loại độc tố, thảo mộc và kháng sinh thường có hiệu lực ngắn và dễ bị môi trường xung quanh ảnh hưởng (ví dụ: bị mưa rửa trôi,...). Ngược lại, thuốc vi sinh giúp giúp kiểm soát sâu bệnh trong thời gian lâu hơn.

4. Chế phẩm trừ sâu sinh học có ưu điểm và nhược điểm gì?

a. Ưu điểm

  • Hiệu quả lâu dài: Chế phẩm trừ sâu sinh học tiêu diệt sâu bệnh hiệu quả mà không dẫn đến tình trạng kháng thuốc, từ đó duy trì hiệu quả kiểm soát lâu dài hơn.
  • An toàn: Như đã giải thích, chế phẩm trừ sâu sinh học hầu như không gây hại cho con người và các sinh vật có ích. Hơn nữa, nhờ phân hủy sinh học, các chế phẩm này không gây ô nhiễm đất, nước hay không khí, giúp duy trì hệ sinh thái tự nhiên.

b. Nhược điểm

Hiệu quả không tức thì: Nhiều loại thuốc sinh học cần thời gian dài để phát huy tác dụng. Ví dụ, nấm ký sinh như Metarhizium chỉ tiêu diệt được sâu bệnh sau khi đã hút gần hết chất dinh dưỡng trong cơ thể chúng.

Bảo quản khắt khe: Để duy trì hiệu quả, bà con cần cất giữ thuốc đúng cách Ví dụ, nấm và vi khuẩn Bt cần được giữ ở nhiệt độ thấp, tránh ánh sáng mặt trời để không mất hoạt tính hay bị phân hủy.

Giá thành cao: Chế phẩm trừ sâu sinh học thường đắt hơn thuốc hóa học do quá trình nghiên cứu, phát triển và bảo quản phức tạp. Đây là rào cản đối với những người có ngân sách hạn chế.

Xem thêm: Tìm hiểu quy trình sản xuất thuốc trừ sâu sinh học đạt chuẩn

nam-metarhizium-anisopliae-ky-sinh-con-trung.jpg

Nấm Metarhizium anisopliae ký sinh côn trùng

5. Các chế phẩm sinh học trừ sâu phổ biến

Hiểu rõ về các chế phẩm sinh học trừ sâu phổ biến giúp bà con tìm được được loại thuốc phù hợp với tình trạng cây trồng của mình.

a. Chế phẩm sinh học trừ sâu nguồn gốc tuyến trùng

Tuyến trùng xâm nhập vào cơ thể côn trùng qua đường thức ăn, lỗ thở và hậu môn, sau đó lan nhanh trong hệ tuần hoàn và tiêu diệt côn trùng trong 1-2 ngày. 

Việc sử dụng tuyến trùng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, song một số thử nghiệm với bọ hung và sâu xám đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

b. Chế phẩm sinh học trừ sâu nguồn gốc virus

Virus như nuclear polyhedrosis virus (NPV) thuộc nhóm Baculovirus xâm nhập vào ruột côn trùng qua thức ăn và phá hủy chức năng ruột. 

NPV được ưa chuộng nhờ tính đặc hiệu cao và không để lại chất độc trên rau quả (tuy giá thành còn khá đắt đỏ). Chúng thường được sử dụng để trị sâu đo hại đay và sâu xanh hại bông.

nhom-thuoc-tru-sau-pho-bien.png

Có nhiều nhóm chế phẩm trừ sâu được bà con sử dụng

c. Chế phẩm sinh học trừ sâu có kháng sinh từ xạ khuẩn

Các kháng sinh như Avermectin, Emamectin, và Spinetoram được sản xuất từ xạ khuẩn Saccharopolyspora spinosa và Streptomycin avermitilis. Chúng chủ yếu tiêu diệt côn trùng qua vị độc và đường tiếp xúc (một số cũng có khả năng nội hấp).

Những sản phẩm này phòng trừ được nhiều loài nhện, sâu miệng chích hút, miệng nhai,... trở thành lựa chọn phổ biến với nhiều bà con. 

d. Chế phẩm sinh học trừ sâu nguồn gốc vi nấm

Các vi nấm như nấm trắng, nấm xanh,... xâm nhập vào biểu bì côn trùng, tiết ra enzyme phá vỡ chitin và protein. Sau khi vào khoang cơ thể, nấm sản sinh các chất chuyển hóa, làm sâu bệnh chết nhanh chóng. 

Bà con có thể sử dụng vi nấm để kiểm soát nhiều loài sâu hại trên ngô, lúa, cây ăn quả và các cây trồng khác.

e. Chế phẩm sinh học trừ sâu từ vi khuẩn

Nhóm này chủ yếu bao gồm thuốc trừ sâu từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt), một loại vi khuẩn sản sinh ra protein độc tố. 

Khi được sâu bệnh ăn phải, độc tố này phát huy tác dụng nhờ môi trường kiềm trong ruột côn trùng, gây tổn thương và tiêu diệt sâu hoàn toàn. Bt đặc biệt hiệu quả đối với sâu non thuộc bộ cánh vảy.

f. Chế phẩm sinh học trừ sâu nguồn gốc thảo mộc

Thuốc trừ sâu thảo mộc chứa các hoạt chất như azadirachtin (cây neem), matrine (khổ sâm), rotenone (cây thuốc cá), và pyrethrin (cúc trừ sâu), làm trứng côn trùng không nở, ấu trùng chán ăn và ức chế sự phát triển của chúng.

Ngoài ra, một số chất còn làm tê liệt hoặc ngạt thở côn trùng, giúp kiểm soát sâu bệnh hiệu quả mà không gây hại cho môi trường.

g. Chế phẩm sinh học độc tố và kháng sinh

Các độc tố, kháng sinh hình thành trong môi trường nuôi cấy vi sinh vật, sau đó được tách chiết để chế thành chế phẩm trừ sâu sinh học. 

Độc tố như Avermectin gây độc cho các cơ quan hoặc chức năng sinh lý chính của sâu hại. Trong khi đó, kháng sinh như Streptomycin trực tiếp phá hủy hoạt động sống của các tế bào vi sinh vật gây bệnh, góp phần giúp cây tăng cường miễn dịch.

h. Các loại chế phẩm sinh học thành phần khác

Một số thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ than bùn, protein, vỏ tôm cua,... vẫn đang được nghiên cứu. Các loại dầu khoáng cũng có thể được sử dụng để phòng trừ sâu bệnh nhờ hiệu quả cao và nguyên liệu sạch, an toàn.

Lời Kết

Nông dược XANH đã giải thích giúp bà con chế phẩm trừ sâu sinh học là gì. Giải pháp này tuy còn nhiều hạn chế, nhưng nhìn chung mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho cây trồng, môi trường, cũng như cân bằng sinh thái.

Nếu bà con vẫn còn thắc mắc, vui lòng gọi điện thoại đến hotline 09.6661.6664 cho Nông dược XANH để được tư vấn.